Sau thời gian tạm lắng chiêu trò mạo danh thông báo người vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đến nay kẻ gian lại tiếp tục hoạt động với thủ đoạn mạo danh cảnh sát giao thông gọi điện nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo.
Sau thời gian tạm lắng chiêu trò mạo danh thông báo người vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đến nay kẻ gian lại tiếp tục hoạt động với thủ đoạn mạo danh cảnh sát giao thông gọi điện nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo.
Cảnh sát giao thông kiểm tra thông tin vi phạm giao thông tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh. Ảnh: V.Nguyên |
Trước sự “tấn công” với các cuộc gọi rác, nhiều người cảm thấy bức xúc với thủ đoạn ngày càng táo tợn, coi thường pháp luật của kẻ gian.
* Đe dọa người dân
Anh T.T.H. (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho hay, cách đây khoảng 1 tuần, trong khi đang làm việc, anh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 00188856141... xưng là cảnh sát giao thông và thông báo xe anh vi phạm tốc độ, bị camera ghi hình lại. Do đang làm việc nên anh H. không thể nói chuyện lâu và từ chối cuộc gọi.
Ngày hôm sau, anh H. tiếp tục nhận được điện thoại với nội dung trên. Điều đáng nói, người trao đổi qua điện thoại với anh H. thông báo đây là thời hạn cuối để đóng tiền phạt, nếu anh không chấp hành thì cơ quan chức năng sẽ dùng các biện pháp mạnh khác.
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin, tất cả các trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh đều có thông báo vi phạm bằng văn bản của cơ quan chức năng đến chủ phương tiện. Văn bản thông báo hình ảnh phương tiện vi phạm thể hiện thời gian, địa điểm, hành vi vi phạm và hình ảnh phương tiện vi phạm với biển số đăng ký phương tiện. |
“Ban đầu, họ yêu cầu bấm phím số 3 để gặp tổng đài viên. Người này lúc đầu tỏ ra rất giận dữ vì chuyện “tổng đài” gọi làm việc nhiều lần nhưng không nghe máy. Khi tôi yêu cầu cung cấp cơ quan ra quyết định “phạt nguội”, thời gian, địa điểm vi phạm để kiểm tra lại thông tin thì người này buông lời đe dọa, dùng những lời lẽ nặng nề, tục tĩu để xúc phạm tôi. Trước khi tắt máy, người này còn hù sắp tới tôi đi ngoài đường sẽ bị xử lý” - anh H. nói.
Trước đây, bản thân anh H. và người thân thỉnh thoảng vẫn phải nhận các cuộc gọi mạo danh lực lượng chức năng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, đây là lần đầu anh bị người lạ đe dọa khi bị anh phát hiện hành vi lừa đảo. Điều này cho thấy, kẻ gian dùng đủ mọi chiêu trò để khiến những người nhẹ dạ lo sợ và buộc phải chuyển tiền, cung cấp thông tin cho chúng.
Bức xúc trước các cuộc gọi “rác” mạo danh lực lượng cảnh sát giao thông nhằm lừa đảo, ông T.V.N. (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) cho hay, dù đã đề phòng nhưng nếu ai không “cứng” rất dễ bị lừa. Đặc biệt, khi thấy người dân cảnh giác thì những đối tượng này chuyển sang dọa nạt, thông báo đây là yêu cầu “phạt nguội” cuối cùng cần phải khẩn trương chấp hành.
Theo ông N., không chỉ một lần mà thời gian qua liên tục nhận cuộc gọi từ các đầu số 0031, 0018, 0061… cũng với chiêu thức thông báo “phạt nguội” vi phạm giao thông. Nếu không sớm chuyển tiền đóng phạt thì khi phương tiện đi đăng kiểm sẽ không được chấp nhận, lưu thông trên đường bị cảnh sát giao thông xử lý rất nặng.
* Người dân cần cảnh giác
Thực tế, chiêu trò mạo danh cảnh sát giao thông thông báo người vi phạm giao thông bị “phạt nguội” để thực hiện các hành vi lừa đảo không mới. Trước đây, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo người dân không làm theo hướng dẫn của các đối tượng để tránh bị lừa đảo, mất tiền. Các trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh đều có thông báo vi phạm bằng văn bản của cơ quan chức năng đến chủ phương tiện.
Thông báo “phạt nguội” của cơ quan chức năng thể hiện đầy đủ thông tin vi phạm giao thông của phương tiện. Ảnh: CTV |
Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng điện thoại, giả danh cơ quan chức năng, đơn vị giám sát camera giao thông, trung tâm đăng kiểm… gọi đến điện thoại của người dân thông báo việc có liên quan đến một biên lai xử “phạt nguội” về giao thông nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin hoặc chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo để chấp hành quyết định nộp phạt hoặc phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”. Trường hợp người dân cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email… cho các đối tượng xấu dễ dẫn đến nguy cơ mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo lực lượng cảnh sát giao thông không thông báo nộp phạt qua điện thoại; người dân hết sức cảnh giác với các cuộc gọi này. Đặc biêt, không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email)… cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào. Khi nhận được các cuộc gọi này, người dân nhanh chóng báo tin cho cơ quan công an địa phương nơi gần nhất để lực lượng chức năng làm cơ sở điều tra, xác minh, đấu tranh.
Võ Nguyên