* Ông Phạm Văn Kiên (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) thắc mắc, quyền sử dụng đất (QSDĐ) cũng là tài sản nhưng tại sao pháp luật về đất đai lại hạn chế quyền này trong giao dịch dân sự?
* Ông Phạm Văn Kiên (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) thắc mắc, quyền sử dụng đất (QSDĐ) cũng là tài sản nhưng tại sao pháp luật về đất đai lại hạn chế quyền này trong giao dịch dân sự?
Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, mặc dù pháp luật dân sự, đất đai cho phép cá nhân được quyền định đoạt tài sản là QSDĐ thuộc quyền sử dụng của mình, nhưng do đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nên việc định đoạt tài sản là QSDĐ của người dân bị giới hạn bởi một số điều của Luật Đất đai năm 2013.
Chẳng hạn, Điều 190 Luật Đất đai năm 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho QSDĐ hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng QSDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ trồng lúa. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Đoàn Phú (ghi)