Thời gian qua, thông qua tin báo tố giác tội phạm từ các tài khoản mạng xã hội (MXH) như: Zalo, Facebook…, cơ quan công an đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, thông qua tin báo tố giác tội phạm từ các tài khoản mạng xã hội (MXH) như: Zalo, Facebook…, cơ quan công an đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật.
Từ nguồn tin trên mạng xã hội, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phát hiện xe khách chở 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đi ngang qua địa bàn H.Xuân Lộc ngày 17-5. Ảnh: Trần Danh |
* Tố giác tội phạm qua MXH
Điển hình như vụ nhóm đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản xảy ra tại một số địa phương vừa bị Công an H.Trảng Bom khởi tố.
Theo đó, để cấp mã QR cho các xe vận tải lưu thông trong thời điểm dịch bệnh (xe luồng xanh), thông qua Zalo, nhóm đối tượng này đã kết nối, tìm kiếm khách hàng và giao dịch các giấy tờ liên quan. Từ tin báo của bị hại thông qua các MXH, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, phát hiện, bắt xử lý các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 17-5, từ nguồn tin báo trên MXH, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phát hiện xe khách mang biển số 98B-027.63 đang vận chuyển 5 người mang quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Ngay lập tức, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và kịp thời bắt giữ nhóm người trên. Vụ việc sau đó đã được giao cho Công an H.Xuân Lộc thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Theo Công an tỉnh, trước sự phát triển của MXH, trong hơn 1 năm qua, Công an tỉnh đã xây dựng các trang Zalo cho công an các đơn vị, địa phương để góp phần giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm. Hoạt động này đã góp phần đưa công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ngày càng sâu sát thực tế, tạo điều kiện để mọi người dân đều có thể tố giác tội phạm một cách thuận tiện, an toàn.
Quá trình triển khai các trang Zalo, công an các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận hàng ngàn tin báo, tố giác tội phạm, trong đó có nhiều tin có giá trị giúp cơ quan công an kịp thời xử lý các vụ việc liên quan.
* Không lợi dụng việc tố giác để vi phạm pháp luật
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm được thực hiện qua nhiều kênh, dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối với các thông tin tố giác tội phạm thông qua các trang MXH là nguồn thông tin đại chúng. Khi có các nguồn thông tin này, lực lượng công an sẽ phân loại, xác minh, nếu có cơ sở, chính danh thì giải quyết theo quy định.
Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Ngọc Quang, các nguồn tin trên các trạng MXH có nhiều thông tin không chính xác hoặc thông tin đưa lên vì mục đích khác thì lực lượng công an sẽ phân loại, tin nào có cơ sở thì xử lý theo quy trình.
Đối với những trường hợp tố giác nhưng thông tin không đúng sự thật hoặc đưa tin nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức thì cơ quan công an sẽ điều tra, xử lý theo quy định. Những trường hợp nào không đủ cơ sở xử lý hình sự thì lập biên bản xử lý hành chính.
Một cán bộ điều tra Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, các nguồn tin trên các trang MXH nhanh, kịp thời, giúp cho cơ quan công an nhanh chóng nắm bắt sự việc. Trên cơ sở đó, lực lượng công an sẽ chuyển hóa thành các nguồn tin báo theo đúng trình tự, thủ tục. Theo đó, từ các nguồn tin này, cán bộ điều tra sẽ tiến hành làm việc với đương sự, lập biên bản ghi nhận sự việc để củng cố hồ sơ theo quy định.
Trong khi đó, cũng là tố giác tội phạm, nhưng thời gian qua một số người đã đăng tải, livestream (phát trực tiếp) trên các trang MXH để tố cáo một cá nhân, tổ chức nào đó. Việc này dễ dẫn đến hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác do những thông tin đăng tải không chính xác, chưa được kiểm chứng.
Bàn về vấn đề pháp lý của hành vi này, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc người dân tự đưa các thông tin về dấu hiệu của tội phạm lên các trang MXH là không đúng với trình tự. Tuy nhiên, người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Do vậy, việc đưa thông tin có dấu hiệu của tội phạm lên MXH sẽ không vi phạm nếu việc đó không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Thời gian qua, nhiều người dân đã lựa chọn phương án này để tố giác và cũng được cơ quan pháp luật vào cuộc để điều tra, xác minh.
Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, khi có thông tin của tội phạm, người dân nên tố giác đến cơ quan chức năng vì thông tin đó sẽ đến nơi có thẩm quyền nhanh nhất, trực tiếp nhất. Việc tự ý đưa thông tin lên mạng có những rủi ro về mặt pháp lý cho chính người đưa thông tin. Nếu thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, không có dấu hiệu của tội phạm sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan. Khi đó, chính người tố giác có thể bị kiện hoặc bị tố cáo ngược lại, thậm chí bị cơ quan pháp luật xử lý.
Theo Công an tỉnh, trong 9 tháng của năm 2021, lực lượng công an đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được hơn 1 ngàn buổi với hơn 217 ngàn người tham dự. Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an 2.257 tin báo, trong đó có nhiều nguồn tin có giá trị được cung cấp qua MXH. |
Trần Danh