Bộ GT-VT vừa trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Dự thảo sửa đổi Nghị định 100).
Bộ GT-VT vừa trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Dự thảo sửa đổi Nghị định 100).
Lực lượng Công an TP.Biên Hòa làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Hải |
Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng mức phạt rất cao đối với nhiều hành vi vi phạm liên quan đến người điều khiển xe máy nhằm phù hợp với tình hình thực tế và ngăn ngừa tai nạn giao thông.
* Tăng mức phạt vi phạm liên quan đến người điều khiển xe máy
Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với những quy định chặt chẽ đã góp phần bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị định 100, Bộ GT-VT đánh giá mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông chưa phù hợp, cần điều chỉnh để tăng tính răn đe. Do đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 100 có nhiều mức phạt được đề xuất tăng mạnh đối với vi phạm liên quan đến người điều khiển xe máy.
Cụ thể, Dự thảo sửa đổi Nghị định 100 đề xuất tăng mức xử phạt hành vi người điều khiển mô tô, xe máy không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị tẩy xóa hoặc không hợp lệ lên mức 1-2 triệu đồng (Nghị định 100 quy định mức phạt từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng). Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất mức phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Bộ GT-VT đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép là 10-15 triệu đồng (theo Nghị định 100 là 7-8 triệu đồng) và mức phạt đối với đua xe ô tô là 20-25 triệu đồng (hiện nay là 8-10 triệu đồng). |
Đặc biệt, Dự thảo sửa đổi Nghị định 100 quy định, người đi xe máy trên 175cm3, xe mô tô 3 bánh mà không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép không hợp lệ bị phạt 4-5 triệu đồng (quy định hiện hành bị phạt từ 3-4 triệu đồng); người đi xe máy không có biển số, biển số không rõ chữ số; che biển, dán thêm làm thay đổi chữ hoặc màu sắc của chữ số bị phạt 1-2 triệu đồng (tăng gấp 10 lần mức phạt hiện nay).
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi Nghị định 100 đề xuất mức phạt tăng rất cao đối với hành vi điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm. Cụ thể, mức phạt đối với hành vi này được dự thảo quy định từ 400-600 ngàn đồng (Nghị định 100 quy định mức phạt từ 200-300 ngàn đồng).
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, qua hơn 13 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ người tử vong, bị thương do chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này vẫn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Còn một số nơi, một số thời điểm người dân thực hiện chưa tốt, nhất là tại các tuyến đường giao thông nông thôn hoặc các tuyến đường đô thị vào dịp lễ, tết.
Theo ông Khuất Việt Hùng, để nâng cao hiệu quả của việc triển khai quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông, ngoài sự tăng cường giám sát, kiểm tra của ngành Công an đối với vi phạm này thì mức phạt đưa ra phải đủ tính răn đe hơn nữa để người dân ý thức được hành vi của mình. Người điều khiển buộc phải chấp hành nếu không sẽ bị phạt nặng.
* Điều chỉnh để phù hợp với thực tế
Theo đánh giá của cơ quan chức năng của tỉnh, qua gần 2 năm triển khai thực hiện, một số quy định tại Nghị định 100 đã bộc lộ nhiều bất cập khi chưa quy định chi tiết về các hành vi vi phạm. Điều 80 của nghị định này quy định thủ tục “phạt nguội”, song trên thực tế, việc xác định chủ phương tiện không đơn giản, bởi nhiều xe mua bán sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau nhưng chưa sang tên, chưa kể có nhiều phương tiện đeo biển số giả, biển số không rõ chữ, số...
Một cán bộ cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa cho hay, không ít lái xe dùng biển số giả đi trên đường và thường không tuân thủ quy định về an toàn giao thông, vì cho rằng cơ quan chức năng không thể truy tìm ra họ, thậm chí còn lợi dụng điều này để vi phạm pháp luật khác. Ngoài ra, việc dùng biển số giả có thể sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, thời gian và tiền bạc của chủ xe có biển số thật trong trường hợp xe có biển số giả vi phạm.
Để đảm bảo hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 là cần thiết và cấp bách, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là từ ngày 1-1-2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 có hiệu lực.
Điểm nổi bật của Dự thảo sửa đổi Nghị định 100 là có sự thay đổi về thẩm quyền của các chức danh được phép xử phạt gồm mức xử phạt tiền và thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm.
Theo dự thảo, chức danh chủ tịch UBND cấp xã được tăng mức xử phạt lên 5 triệu đồng thay vì mức phạt tiền đến 4 triệu đồng như Nghị định 100 hiện hành. Trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất được xử phạt 2,5 triệu đồng. Với chức danh chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền phạt tiền đến 37,5 triệu đồng. Đồng thời, các chức danh nêu trên cũng được tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định.
Ngoài ra, theo Nghị định 100, chánh thanh tra giao thông chỉ được phạt mức tối đa 20 triệu đồng, dự thảo đề xuất tăng lên gần 40 triệu đồng; trưởng phòng cảnh sát giao thông cấp tỉnh trước đây chỉ được phạt đối với cá nhân vi phạm tối đa 8 triệu đồng, dự thảo đề xuất chức danh này được tăng mức xử phạt tối đa lên 15 triệu đồng; giám đốc công an cấp tỉnh được phạt tiền đến 37,5 triệu đồng.
Thanh Hải