Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường kiểm soát thị trường khẩu trang, vật tư y tế

09:09, 19/09/2021

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được tăng cường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, dụng cụ, vật tư y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn…

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được tăng cường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, dụng cụ, vật tư y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn…

Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng khẩu trang không rõ nguồn gốc tại cơ sở của ông N.Đ.G. (tạm trú tại KP.7, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) vào tháng 8-2021. Ảnh: CTV
Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng khẩu trang không rõ nguồn gốc tại cơ sở của ông N.Đ.G. (tạm trú tại KP.7, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) vào tháng 8-2021. Ảnh: CTV

* Nhu cầu cao

Tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường khiến nhu cầu tiêu thụ khẩu trang, các loại vật tư y tế, nước sát khuẩn, kính chắn giọt bắn... tăng mạnh. Người dân đã từng bước nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe, từ đó chủ động chuẩn bị các sản phẩm phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, cùng với nguồn cung ứng đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả thì vấn đề về chất lượng sản phẩm được quan tâm hơn cả. Thực tế cho thấy, cùng là khẩu trang y tế nhưng sản xuất từ những nguyên liệu khác nhau sẽ cho ra chất lượng khác nhau.

Do đó, trên thị trường hiện có rất nhiều loại khẩu trang khác nhau như: 3 lớp, 4 lớp, 5 lớp; có lớp kháng khuẩn, không có lớp kháng khuẩn, N95 có van thở... với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, người tiêu dùng bình thường rất khó phân biệt được loại nào là hàng tái chế, hàng kém chất lượng và đâu là hàng thật đảm bảo an toàn, đúng chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế.

Ông Đình Tôn (ngụ KP.1, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, để phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn... là những vật dụng thiết yếu đối với mỗi người. So với thời điểm vừa bùng phát dịch Covid-19 năm trước, hiện nay các sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19 trên thị trường khá đa dạng và giá cả ổn định nên người dân có thêm nhiều sự lựa chọn hơn.

“Thông thường, tôi tìm mua các loại khẩu trang, nước sát khuẩn có nguồn gốc rõ ràng ở những hiệu thuốc lớn cho an tâm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, địa phương áp dụng giãn cách xã hội, khu vực của tôi sinh sống ở vùng xanh nên việc ra vào có giới hạn, tìm mua hàng hóa gặp khó khăn hơn. Vì vậy, có lúc tôi phải mua tạm các sản phẩm trên ở tiệm tạp hóa hay hộ kinh doanh nhỏ lẻ tự phát gần nhà nhưng nhìn chung không được an tâm, nhất là khi đọc được thông tin khẩu trang kém chất lượng ngày càng tràn lan trên thị trường” - ông Tôn chia sẻ.

* Xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Trước sự đa dạng của các loại khẩu trang, dụng cụ phòng chống dịch, người tiêu dùng lo ngại một số trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận mà cung ứng các loại sản phẩm giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; có trường hợp còn tái chế các sản phẩm khẩu trang không rõ nguồn gốc…

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu người dân sử dụng phải các loại khẩu trang, vật tư y tế giả, kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe cũng như tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Vào đầu tháng 9 vừa qua, theo Tổng cục Quản lý thị trường, tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT TP.Hà Nội) phối hợp Phòng An ninh kinh tế (Công an TP.Hà Nội) phát hiện, thu giữ hơn 20 ngàn khẩu trang y tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M. Đây là một trong những sản phẩm được sử dụng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch.

Đối với Đồng Nai, vào cuối tháng 8 vừa qua, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Đồng Nai) phối hợp với Công an TP.Biên Hòa, Công an P.Long Bình (TP.Biên Hòa) kiểm tra đột xuất hộ gia đình ông N.Đ.G. (50 tuổi, thường trú tỉnh Lâm Đồng), tạm trú tại tổ 31, KP.7, P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn khẩu trang y tế, tương đương khoảng 237,3 ngàn khẩu trang, trong đó có khoảng 2,3 ngàn khẩu trang y tế thành phẩm tại hiện trường. Làm việc với lực lượng chức năng, ông G. chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hay giấy tờ liên quan đến lô hàng khẩu trang nói trên.

Bước đầu chủ cơ sở khai đã thu mua số lượng lớn khẩu trang phế liệu tại nhiều cơ sở ở TP.HCM với giá 1,5 ngàn đồng/kg rồi chở về Đồng Nai. Sau đó ông G. thuê người dân và công nhân gần đó giặt ủi, vá nối lại dây đeo trước khi bán ra thị trường miền Tây với giá 8,5 ngàn đồng/kg. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản niêm phong, tịch thu toàn bộ số khẩu trang y tế trên để xử lý theo quy định.

Đối với công tác kiểm tra chuyên đề mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dược phẩm, theo Cục QLTT Đồng Nai, trong 8 tháng của năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 60 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách hơn 735 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về niêm yết giá, nhãn hàng hóa…

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó cục trưởng phụ trách Cục QLTT Đồng Nai chia sẻ, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, các loại khẩu trang, vật tư y tế…

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Ðồng Nai chia sẻ, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có nguồn gốc rõ ràng của các nhà phân phối, nhà thuốc uy tín.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng nên hạn chế đặt mua các sản phẩm khẩu trang, dụng cụ, thiết bị y tế trên mạng xã hội, các kênh bán hàng “trôi nổi” vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng kém chất lượng…

Lam Phương

Tin xem nhiều