Báo Đồng Nai điện tử
En

Chửi bậy, nói tục dễ vi phạm pháp luật

09:09, 21/09/2021

Việc dùng lời lẽ dung tục nhằm thóa mạ nhau khi nói chuyện trực tiếp hay tranh luận trên mạng xã hội (MXH) là hành vi kém văn hóa, không chuẩn mực, dễ vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự (tùy mức độ, hậu quả gây ra).

Việc dùng lời lẽ dung tục nhằm thóa mạ nhau khi nói chuyện trực tiếp hay tranh luận trên mạng xã hội (MXH) là hành vi kém văn hóa, không chuẩn mực, dễ vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự (tùy mức độ, hậu quả gây ra).

Việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật sẽ giúp hạn chế, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi xúc phạm uy tín, danh dự của người khác. Trong ảnh: Người dân xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) tham dự buổi tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng do Hội Luật gia tỉnh và địa phương phối hợp tổ chức vào tháng 9-2020. Ảnh: Đoàn Phú
Việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật sẽ giúp hạn chế, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi xúc phạm uy tín, danh dự của người khác. Trong ảnh: Người dân xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) tham dự buổi tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng do Hội Luật gia tỉnh và địa phương phối hợp tổ chức vào tháng 9-2020. Ảnh: Đoàn Phú

Luật gia Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho hay, pháp luật quy định rõ và có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi chửi bậy, nói tục nhưng vẫn còn không ít người xem hành vi này là vô hại.

* Cái miệng hại cái thân

Hiện tượng chửi bậy, nói tục, chửi đổng hiện rất phổ biến trên mạng xã hội (Facebook, Zalo). Mục đích cố tình tạo ra những nội dung gây tranh cãi, những phát ngôn đụng chạm, gây sốc để tạo sự chú ý trên mạng nhằm “câu like”, “câu view” để phục vụ mục đích cá nhân hoặc để bán hàng online gây “ô nhiễm” môi trường mạng.

Luật gia Nguyễn Thanh Sơn cho hay, nguyên nhân của hiện tượng nêu trên là do ý thức tôn trọng nhân phẩm người khác và pháp luật kém; người bị xúc phạm chưa chủ động tố cáo, phản ảnh đến các cơ quan chức năng; công tác phát hiện, xử lý các tài khoản MXH chửi bậy, nói tục chưa kịp thời và quyết liệt... “Hành vi chửi đổng, văng tục, xúc phạm những người không liên quan tới cá nhân mình, không gây hại cho mình thì đó là sự cố ý gây hấn, xúc phạm danh sự, nhân phẩm, làm nhục người khác sẽ bị xử lý nghiêm” - luật gia Nguyễn Thanh Sơn lưu ý.

Hiện nay, hành vi xúc phạm, làm nhục, vu khống người khác bên ngoài đời sống hay trên MXH đã được Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, Luật An ninh mạng năm 2018 và rất nhiều văn bản hướng dẫn… quy định hình thức chế tài (cảnh cáo, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, xin lỗi, phạt tù…) tương đối đầy đủ, đủ sức răn đe, giáo dục, ngăn chặn.

* Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Trong trường hợp có hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ còn bị xử phạt hành chính vì có hành vi chống người thi hành công vụ.

Ngày 2-8, Công an P.Xuân An (TP.Long Khánh) đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Thu (36 tuổi, ngụ P.Phú Bình, TP.Long Khánh) vì có hành vi chống người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, vào sáng 2-8, tại Chốt kiểm soát phòng dịch số 8 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (thuộc P.Xuân An), khi bị tổ công tác yêu cầu dừng xe kiểm tra, bà Thu đã kéo khẩu trang xuống khi nói chuyện và chửi tục với cán bộ làm công tác tại chốt, có hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.

Bên cạnh xử phạt hành chính bà Thu do vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Công an P.Xuân An còn lập biên bản xử phạt đối với bà Thu theo Điểm b, Khoản 2, Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP do bà có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và dịch vụ điện tử quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngoài ra, theo Khoản 5, Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Về trách nhiệm hình sự, hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử lý theo Điều 155 (tội làm nhục người khác), Điều 156 (tội vu khống) của Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu người đưa thông tin từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Để hạn chế tình trạng nói tục, chửi thề dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, cần tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng nhân phẩm, danh dự người khác. Đồng thời, tăng cường sàng lọc, xử lý nghiêm những thông tin vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, đoàn kết cộng đồng…

Đoàn Phú

Tin xem nhiều