Đồng Nai được Bộ Công an xác định là một trong 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm hình sự và là một trong 10 địa bàn phức tạp về tội phạm có tổ chức. Xác định rõ tính chất phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp tấn công, trấn áp mạnh tội phạm nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nhờ đó, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức.
Đồng Nai được Bộ Công an xác định là một trong 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm hình sự và là một trong 10 địa bàn phức tạp về tội phạm có tổ chức. Xác định rõ tính chất phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt các kế hoạch, biện pháp tấn công, trấn áp mạnh tội phạm nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nhờ đó, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức.
Bài 1: “Xóa sổ” các băng, nhóm giang hồ cộm cán
Theo Công an tỉnh, công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tuy được giữ ổn định nhưng chưa thực sự bền vững. Không ít đối tượng tội phạm, băng nhóm tội phạm vẫn lợi dụng địa bàn Đồng Nai để hoạt động hoặc ẩn náu chờ thời cơ gây án. Các băng nhóm tội phạm tại Đồng Nai chủ yếu hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt quyền sử dụng đất…
Ngô Đình Giang (Giang “36”) bị tòa xử về tội gây rối trật tự công cộng. Ảnh: Trần Danh |
* Dẹp nhiều băng nhóm “tín dụng đen”
Cách đây hơn 1 năm, tại nhiều địa phương trong tỉnh, các băng, nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen” rất lộng hành, thường xuyên gây mất ANTT, thực hiện nhiều vụ cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích khiến dư luận bức xúc.
Nổi lên trong thời điểm đó là băng nhóm bảo kê, hoạt động “tín dụng đen” do vợ chồng Loan “cá” (Lý Thị Loan, 40 tuổi) và Tuấn “cá” (Nguyễn Quốc Tuấn, 44 tuổi), cùng ngụ P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cầm đầu. Loan “cá” và nhóm đàn em chuyên bảo kê, thu tiền ở khu vực chợ tự phát trước cổng Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu). Riêng Tuấn “cá” bảo kê, thu tiền tại khu vực chợ tự phát trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An).
Nhớ lại thời điểm thường xuyên bị Loan “cá” và nhóm đàn em của đối tượng này bắt nạt, chị T.T.L. (bán rau quả, trái cây ở khu vực trước cổng Công ty Changshin) cho biết, trước đây khu chợ tự phát này là một bãi đất trống, chỉ có vài người bán hàng rong, dần dần ngày càng có đông người đến tụ tập buôn bán. Từ đó, xuất hiện một nhóm người (sau này mới biết là băng nhóm của Loan “cá”) đến dọn dẹp, đổ bê tông ở khu đất trống, đặt pallet dọc hành lang, vỉa hè trước khu vực cổng công ty nhằm “xí” chỗ nhưng không phải để buôn bán mà cho thuê để thu tiền hằng tháng.
Chị L. kể, để tránh phản ứng của người dân, nhóm người này nói là thu tiền dọn dẹp vệ sinh hằng tháng nhưng thực chất là thu tiền mặt bằng. Người nào muốn buôn bán yên ổn phải trả từ 1-1,5 triệu đồng/tháng/nền rộng khoảng 2-3m2. Thời gian đó, chỉ vì muốn có chỗ buôn bán, làm ăn, nhiều người đã “cắn răng” đóng tiền cho đàn em của Loan “cá”. Người nào không đóng tiền liền bị đuổi đi nơi khác, còn cố tình ở lại buôn bán thì thường xuyên bị nhóm đàn em của Loan “cá” uy hiếp, đe dọa, thậm chí đánh đập đuổi đi.
Tương tự, một số người buôn bán ở khu chợ tự phát trước cổng Công ty Pouchen cho biết, trước đây Tuấn “cá” lấy danh nghĩa thu tiền dọn dẹp vệ sinh để buộc các tiểu thương đóng tiền thuê chỗ từ 100-400
ngàn đồng/người/tháng và tiền dọn vệ sinh từ 5-7 ngàn đồng/người/ngày.
Ngày 5-5-2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh bắt Loan “cá” và 9 đối tượng liên quan để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đến chiều 7-5, Công an TP.Biên Hòa cũng bắt khẩn cấp Tuấn “cá” và đồng bọn để điều tra về hành vi tương tự.
Ngoài băng nhóm hoạt động bảo kê, cho vay lãi nặng do vợ chồng Loan “cá” cầm đầu, lực lượng công an còn triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” khác. Nổi bật trong đó phải kể đến băng nhóm chuyên hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn TP.Biên Hòa và các địa phương lân cận do Đặng Quang Toàn (biệt danh “Toàn đen”, 38 tuổi, quê TP.Hải Phòng) hay Nguyễn Việt Thắng (28 tuổi, quê TP.Hà Nội) và Đặng Đình Đế (20 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) cầm đầu. Không chỉ cho người khác vay tiền với mức lãi suất “cắt cổ” từ 11-60%/tháng, các băng nhóm này còn uy hiếp con nợ để cướp, cưỡng đoạt tài tài sản, gây mất ANTT ở địa phương.
* Ngăn chặn giang hồ cướp đất
Bên cạnh đánh mạnh tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh và công an các địa phương còn triệt phá nhiều băng, nhóm lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý đất đai của các cơ quan chức năng đối với đất thuộc diện quy hoạch khu công nghiệp, hành lang khu công nghiệp, quốc phòng, lâm trường… để tạo tranh chấp, dùng thủ đoạn đe dọa người dân để chiếm đất, cướp đất, lừa đảo bán đất giá rẻ gây mất ANTT trên địa bàn.
Lý Thị Loan (Loan “cá”) và nhóm đàn em bị công an bắt để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: Trần Danh |
Nhiều băng, nhóm chuyên hoạt động bảo kê, chiếm đất ở các địa phương như: TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, H.Vĩnh Cửu… đã bị cơ quan công an đấu tranh, triệt phá. Trong đó phải kể đến băng nhóm do Ngô Đình Giang (thường gọi Giang “36”, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cầm đầu.
Giang “36” bị bắt trong một vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra vào tháng 6-2019 tại TP.Biên Hòa. Ngày 18-5-2020, TAND TP.Biên Hòa tuyên phạt Giang “36” 4 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng. Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa phát hiện Giang “36” có liên quan đến nhiều vụ chiếm đất, cưỡng đoạt quyền sử dụng đất xảy ra trên địa bàn tỉnh gây bức xúc trong dư luận nên tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi tranh giành, lấn chiếm đất công, cưỡng đoạt tài sản (quyền sử dụng đất) của băng nhóm do “Giang “36” cầm đầu.
Sau khi Giang “36” cùng một số đàn em thân cận bị bắt, các băng nhóm hoạt động bảo kê, cướp đất trên địa bàn cũng án binh bất động và rút lui tại những “điểm nóng” thường xảy ra các vụ tranh chấp đất giữa băng nhóm giang hồ và người dân.
Trở lại khu vực KP.11, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa), nơi từng xảy ra nhiều cuộc tranh chấp đất giữa các băng nhóm giang hồ với người dân, trong đó có băng nhóm của Giang “36”, phóng viên Báo Đồng Nai được một số người dân cho biết, tình trạng các băng nhóm kéo nhau mang hung khí đến tranh chấp đất với người dân đã không còn xuất hiện nhiều như trước.
Ông N.V.C. (ngụ P.Tân Phong) kể, trước đây rất nhiều người dân sau khi mua đất bằng “giấy tay” ở khu vực giáp ranh giữa P.Tân Phong và H.Vĩnh Cửu đã bị các đối tượng lạ mặt đến “xí phần” để tranh chấp. Thủ đoạn của các đối tượng là tìm hiểu các thửa đất của người dân mua bán bằng “giấy tay” rồi lập ra các giấy tờ mua bán đất tương tự để tạo tranh chấp. Sau đó, chúng kéo người đến uy hiếp để chiếm đất. Gặp người yếu thế, chúng lấy luôn lô đất bằng sự đe dọa. Những người dân cương quyết tranh chấp, chúng vừa uy hiếp vừa tìm cách thương lượng mua lại với giá rẻ.
“Khoảng 1 năm nay, các băng nhóm chuyên tham gia tranh chấp đất như: Giang “36”, P. “tóc dài”, T. “mũ cối”… đã ít xuất hiện ở P.Tân Phong. Các băng nhóm này không còn lộng hành như trước nên người dân cũng đỡ lo” - ông C. cho biết.
Các vụ việc liên quan đến giang hồ tranh chấp đất đai đều được lực lượng công an quan tâm, xử lý rốt ráo. Cụ thể như tháng 10-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với 44 đối tượng tham gia vụ hỗn chiến tranh chấp đất ở TP.Biên Hòa vào ngày 29-9-2020 để điều tra về các hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo điều tra của cơ quan công an, xuất phát từ chuyện tranh chấp mảnh đất hơn 3 ngàn m2 tại P.Thống Nhất giữa 2 cá nhân mà hơn 60 thanh niên xăm trổ thuộc 2 nhóm khác nhau mang theo nhiều tuýp sắt, vật nhọn, búa sắt... tập trung tại đây chuẩn bị hỗn chiến khiến khu vực này náo loạn, lực lượng công an phải đến can thiệp.
Việc đấu tranh làm tan rã các băng nhóm bảo kê, cướp đất được ngành Công an thực hiện quyết liệt nên đến nay các băng nhóm này không còn lộng hành như trước, tránh việc hình thành những điểm nóng về ANTT, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo nên sự an tâm, tin tưởng của người dân với công tác phòng chống tội phạm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai nói chung và lực lượng Công an Đồng Nai nói riêng.
Theo một số người dân buôn bán xung quanh khu chợ tự phát trước cổng Công ty Changshin và Công ty Pouchen, hơn 1 năm qua, sau khi vợ chồng Loan “cá” và đồng bọn “xộ khám”, các hoạt động bảo kê, đòi tiền chợ không còn xảy ra. Người buôn bán ở đây cũng bớt được một khoản chi cố định hằng tháng nên cảm thấy yên lòng, cuộc sống trở nên bình yên hơn. |
Trần Danh - Đặng Ngọc
Bài 2: “Đánh sập” nhiều đường dây tội phạm lớn, hoạt động liên tỉnh