Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng cháy ở các làng nghề mùa khô

09:03, 30/03/2021

Đồng Nai hiện có nhiều làng nghề truyền thống hoạt động lâu đời trong các khu dân cư như: gỗ, gốm, bánh tráng...  Vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy tại các làng nghề này tăng cao vì có nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu dễ bắt lửa, dễ cháy lan trong khu dân cư.

Đồng Nai hiện có nhiều làng nghề truyền thống hoạt động lâu đời trong các khu dân cư như: gỗ, gốm, bánh tráng...  Vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy tại các làng nghề này tăng cao vì có nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu dễ bắt lửa, dễ cháy lan trong khu dân cư.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy dập tắt vụ cháy tại Cơ sở Kinh doanh đồ gỗ Triệu Vy (thuộc P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) ngày 16-1. Ảnh: C.T.V
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy dập tắt vụ cháy tại Cơ sở Kinh doanh đồ gỗ Triệu Vy (thuộc P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) ngày 16-1. Ảnh: C.T.V

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, nguy cơ cháy từ các làng nghề chủ yếu tập trung ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dùng nguồn điện, nguồn nhiệt cao hoặc chứa vật liệu dễ cháy. Trong đó, nguy cơ cháy cao nhất là các làng nghề gỗ truyền thống tập trung ở H.Trảng Bom (2 xã Bình Minh, Hố Nai 3) và TP.Biên Hòa (3 phường Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa).

* Nguy cơ cháy cao

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, nguy cơ cháy tại các làng nghề trong cao điểm mùa khô rất cao vì trong làng nghề luôn chứa một lượng nguyên liệu, dung môi (xăng, sơn, hóa chất...) lớn. Đây là những thứ dễ bắt cháy khi có tác động của lửa. Ngoài ra, do những cơ sở sản xuất trong làng nghề truyền thống đã cũ, lại được cơi nới theo thời gian nên không có sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng, dễ xảy ra cháy lan. Bên cạnh đó, việc các công nhân, người quản lý, chủ cơ sở sinh sống ngay tại nơi sản xuất, kinh doanh cũng góp phần khiến nguy cơ cháy, nổ ở các làng nghề gia tăng từ các hoạt động nấu nướng, thờ cúng…

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong các làng nghề (chủ yếu là gỗ). Gần nhất vào sáng 25-3, tại Doanh nghiệp tư nhân Liên Tùng, chuyên sản xuất sản phẩm gỗ (thuộc KP.8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) xảy ra cháy lớn. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh và Công an TP.Biên Hòa đã xuất 3 xe chữa cháy, 1 xe bồn cùng 36 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường xử lý, nhanh chóng khống chế đám cháy, không để cháy lan sang các công ty lân cận. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, riêng thiệt hại về tài sản đang được thống kê làm rõ.

Trước đó, ngày 16-1 cũng xảy ra cháy lớn ở Cơ sở Kinh doanh đồ gỗ Triệu Vy (thuộc P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) gây cháy lan sang một garage ô tô và một cơ sở đồ gỗ bên cạnh. Tuy vụ cháy không gây thiệt hại về người, song toàn bộ xưởng gỗ có diện tích hơn 1.000m2 cùng nhiều tài sản bên trong bị thiêu rụi. Riêng garage ô tô bị cháy một phần và thiêu rụi 3 ô tô bên trong.

* Sẽ siết chặt quản lý

Xác định được các nguy cơ cháy trong các làng nghề như trên, trong cao điểm mùa khô như hiện nay, Công an TP.Biên Hòa và Công an H.Trảng Bom đã có nhiều biện pháp kéo giảm nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Trong đó tập trung vào kiểm tra theo chuyên đề hoặc kiểm tra cao điểm dịp đầu năm. Bên cạnh đó, Công an 2 địa phương này còn xây dựng các kế hoạch tuyên truyền cho khu dân cư, đặc biệt là những khu dân cư có nguy cơ cháy cao (có làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy; có tối thiểu 20% hộ gia đình vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất dễ cháy trên tổng số nhà ở...).

Đại diện Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an H.Trảng Bom cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ xây dựng chuyên đề kiểm tra an toàn PCCC tại các làng nghề, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh gỗ. Qua kiểm tra sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCCC, đồng thời lưu ý các xã, thị trấn cần tập trung triển khai các biện pháp PCCC tại các làng nghề, hạn chế nguy cơ cháy xảy ra, gây ảnh hưởng khu dân cư lân cận.

Tại TP.Biên Hòa, các phường, xã cũng tăng cường công tác PCCC tại các làng nghề hoạt động trên địa bàn, thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp xã, phường (là những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2).

Phó chủ tịch UBND P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) Phạm Thanh Phong cho biết, làng nghề gỗ là một trong những đặc thù của địa phương với nhiều hộ gia đình làm mộc truyền thống từ hàng chục năm nay. Chính vì hoạt động tự phát nên kéo theo những khó khăn trong quản lý về công tác PCCC. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường phối hợp cùng cơ quan chức năng trong kiểm tra PCCC; đặc biệt khi hiện nay, trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư được giao về cho UBND cấp xã, phường, chính quyền địa phương sẽ chủ động hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những vi phạm liên quan đến an toàn PCCC trong các làng nghề để chấn chỉnh, khắc phục, hạn chế xảy ra cháy, nổ trên địa bàn nói chung và ở các làng nghề nói riêng trong cao điểm mùa khô năm 2021.

Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ của 7 địa phương phía Nam (TP.HCM, các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) đã ký kết hoạt động phối hợp trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Qua đó, lực lượng cảnh sát PCCC 7 tỉnh, thành có thể chủ động, triển khai đồng bộ, hiệu quả mọi giải pháp PCCC và cứu nạn, cứu hộ ở khu vực lân cận.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Công ty Bảo trì PCCC