Ngày 9-2, Bộ Công an bắt đầu triển khai lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân với nhiều quy định chặt chẽ. Đặc biệt, dự thảo này cũng phân loại thông tin thành "dữ liệu cá nhân cơ bản" và "dữ liệu cá nhân nhạy cảm" cùng với các quy định bảo vệ cụ thể, đồng thời có chế tài với cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép dữ liệu.
Ngày 9-2, Bộ Công an bắt đầu triển khai lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân với nhiều quy định chặt chẽ. Đặc biệt, dự thảo này cũng phân loại thông tin thành “dữ liệu cá nhân cơ bản” và “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” cùng với các quy định bảo vệ cụ thể, đồng thời có chế tài với cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép dữ liệu.
Việc bên cho vay tiết lộ dữ liệu cá nhân con nợ lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý con nợ, gây sức ép đòi nợ có thể bị phạt từ 50-80 triệu đồng theo Khoản 1, Điều 22, dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. |
* Phân loại chi tiết
Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được Bộ Công an xây dựng gồm: 6 chương, 30 điều quy định về dữ liệu cá nhân, phân loại các dữ liệu, quy trình xử lý, bảo vệ dữ liệu; xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân. Đặc biệt, dự thảo đã đưa ra khái niệm “dữ liệu cá nhân cơ bản” gồm: tên, tuổi, ngày sinh, nơi cư trú, quốc tịch, dân tộc, các mã số cá nhân... và “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” gồm: quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, tình trạng tài chính, hành vi phạm tội...
Trên cơ sở đó, dự thảo tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và các bước xử lý dữ liệu cá nhân (thu thập, ghi, phân tích, lưu trữ, thay đổi, tiết lộ, cấp quyền truy cập... dữ liệu cá nhân). Trong đó, nổi bật là 8 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân (Điều 3 của dự thảo) và nhấn mạnh quyền của chủ thể dữ liệu liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân (Điều 5 của dự thảo).
Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), trong 8 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đáng chú ý có nguyên tắc hợp pháp (chỉ được thu thập trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật), nguyên tắc tối giản (chỉ được thu thập trong phạm vi cần thiết để đạt được mục đích đã xác định) và nguyên tắc sử dụng hạn chế (chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật). Ngoài ra, không cá nhân, tổ chức nào được tiết lộ dữ liệu cá nhân của người khác trong trường hợp dữ liệu được đề cập là dữ liệu cá nhân nhạy cảm hoặc làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu.
* Sẽ xây dựng cơ chế bảo vệ dữ liệu
Để thực hiện được việc xử lý dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân và xử lý vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân..., Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân dự kiến sẽ được thành lập. Đây là tổ chức trực thuộc Chính phủ, đặt tại Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).
Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được Bộ Công an lấy ý kiến các bộ, ngành, người dân từ ngày 9-2 đến 9-4 nhằm bảo đảm yếu tố pháp lý đối với triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân ở nước ta và bảo đảm hoạt động cho Chính phủ điện tử. Toàn văn dự thảo cũng được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an tại địa chỉ http://bocongan.gov.vn. |
Một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh cũng nhận định, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ là cơ sở để các cá nhân đăng ký thông tin dữ liệu cá nhân và để khiếu nại, phản ánh nếu xảy ra tình trạng dữ liệu cá nhân đã đăng ký bị xâm phạm. Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng đề ra một số mức chế tài cho các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Đáng lưu ý, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm quy định về tiết lộ dữ liệu cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-80 triệu đồng (Điều 22). Hoặc chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới sẽ bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng (Điều 22).
Theo Bộ Công an, dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ cụ thể hóa đầy đủ việc công nhận và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định tại Chương II, từ Điều 14-49. Đồng thời, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân chính là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoạt động của các cơ quan, tổ chức; từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Đăng Tùng