Đăng ký đất đai là quy định bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính
Đăng ký đất đai là quy định bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính
Người dân cần thực hiện đăng ký đất đai theo đúng quy định pháp luật. Trong ảnh: Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND TP.Biên Hòa đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai của người dân. Ảnh: Phương Liễu |
Luật sư Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, khi người dân nghiêm túc thực hiện việc đăng ký đất đai, biến động sử dụng đất sẽ được pháp luật bảo vệ khi có xảy ra tranh chấp. Ngược lại, không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5-1-2020 (gọi tắt là Nghị định 91).
* Không đăng ký thì chưa có thực quyền
Ông Đ.K. (ngụ xã Đắc Lua, H.Tân Phú) khai hoang khu đất có diện tích 4 sào tại ấp 6, xã Đắc Lua vào năm 2000. Đến nay, ông Đ.K. vẫn chưa thực hiện đăng ký đất đai lần đầu cho phần diện tích khai hoang trên. Ông nghe nói có quy định mới, việc chậm trễ đăng ký đất đai lần đầu sẽ bị phạt nên ông rất lo lắng.
Về trường hợp của ông K., luật sư Khanh giải thích, đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính. Hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu dạng giấy hoặc dạng số thể hiện thông tin chi tiết về từng thửa đất, người được giao quản lý đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, các quyền và thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
“Do ông K. chưa đăng ký đất đai lần đầu nên phần diện tích đất trên về thực tế, ông đang quản lý, sử dụng nhưng nó vẫn chưa được ghi nhận vào hồ sơ địa chính. Vì vậy, ông vẫn chưa được Nhà nước công nhận về mặt pháp lý bởi bất cứ loại giấy tờ, cơ sở dữ liệu nào về diện tích đất trên thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông. Đồng thời, vì ông chưa thực hiện đăng ký đất đai lần đầu nên có thể bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính” - luật sư Khanh phân tích.
Theo Luật Đất đai năm 2013, việc đăng ký đất đai lần đầu được thực hiện trong các trường hợp sau đây: thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng; thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký; thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký; nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.
Nghị định 91 quy định, trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 95, Luật Đất đai năm 2013 (thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký) tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu. Phạt từ 1-2 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
* Phải đăng ký biến động đất
Biến động đất đai là việc người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đổi tên; thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất; chuyển mục đích sử dụng đất; chuyển quyền sử dụng đất cho người khác… Luật Đất đai năm 2013 quy định, việc biến động đất bắt buộc phải đăng ký, nếu quá thời hạn đăng ký mà không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, vấn đề này người dân tìm đến ông nhờ tư vấn khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do người dân không hiểu biết, nắm rõ các quy định pháp luật liên quan tới đất đai nên dễ vi phạm. Chẳng hạn như trường hợp ông NV.H. (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) thực hiện tách thửa nhằm tặng cho quyền sử dụng đất cho con. Khi thực hiện tặng cho, đôi bên có lập hợp đồng tặng cho và hợp đồng có công chứng nhưng người con không đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký biến động đất nên hợp đồng tặng cho được thực hiện đã hơn 1 năm vẫn chưa có hiệu lực.
“Điều 459, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký ” - luật sư Định cho biết.
Theo Nghị đinh 91, trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt từ 1-3 triệu đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại Khoản 6, Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013 mà không thực hiện đăng ký biến động. Phạt từ 2-5 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại Khoản 6, Điều 95 của Luật Đất đai năm 2013 mà không thực hiện đăng ký biến động.Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt so với khu vực nông thôn.
Diễm Quỳnh