Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo: Nhiều điểm mới sát với thực tiễn

09:11, 19/11/2020

Ngày 22-11-2020, dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo (thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 về quản lý, sử dụng pháo, gọi tắt là Nghị định 36) sẽ hết hạn lấy ý kiến sau 2 tháng được Bộ Công an đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để các cá nhân, tổ chức góp ý.

Ngày 22-11-2020, dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo (thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 về quản lý, sử dụng pháo, gọi tắt là Nghị định 36) sẽ hết hạn lấy ý kiến sau 2 tháng được Bộ Công an đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để các cá nhân, tổ chức góp ý.

Một đối tượng bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh bắt giữ cùng tang vật 20kg pháo nổ vào tháng 12-2019. Ảnh: Đình Biên
Một đối tượng bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh bắt giữ cùng tang vật 20kg pháo nổ vào tháng 12-2019. Ảnh: Đình Biên

Tại dự thảo có nhiều điểm mới đáng chú ý, tập trung vào việc cụ thể hóa các định nghĩa, điều nghiêm cấm trong quản lý và sử dụng pháo sát với Bộ luật Hình sự năm 2015, sát với tình hình thực tế và hỗ trợ cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý, xử lý tình trạng mua bán pháo trái phép.

* Định nghĩa rõ hơn về pháo nổ và pháo hoa

Nghị định 36 định nghĩa về “pháo nổ” và “pháo hoa” khá giống nhau. Cụ thể, tại Khoản 2 và 3, Điều 3, Nghị định 36 nêu rõ, pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ. Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.

Bộ Công an nhận định các khái niệm trên chưa rõ ràng, cụ thể giữa pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ. Thực chất, pháo hoa gây tiếng nổ có sử dụng thuốc pháo nổ bên trong và gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của người dân và ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa nổ.

Luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phân tích, tại Điều 190 và 191, Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ mà không đề cập đến pháo hoa và các loại pháo khác, dù pháo hoa vẫn chứa thuốc pháo nổ bên trong. Đây là một trong những điểm bị “vênh” giữa Nghị định 36 và Bộ luật Hình sự năm 2015 khi xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến các loại pháo.

Do đó, tại dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo, các loại pháo đã được định nghĩa lại chi tiết hơn. Cụ thể, pháo được chia làm 2 loại là pháo nổ và pháo hoa. Theo đó, pháo nổ được hiểu gồm: pháo nổ (sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây ra tiếng nổ) và pháo hoa nổ (là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây ra tiếng rít, tiếng nổ, hiệu ứng màu sắc trong không gian). Còn pháo hoa cũng tương tự pháo hoa nổ nhưng không có tiếng nổ mà chỉ có các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian (tức là không có chứa thuốc pháo nổ mà chỉ chứa thuốc pháo hoa).

Theo Bộ Công an, việc định nghĩa cụ thể, chi tiết hơn các loại pháo sẽ bảo đảm sự phù hợp giữa dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo với Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật  khác. Từ đó, thuận tiện cho lực lượng chức năng trong việc xử lý đối với các hành vi bị cấm liên quan đến pháo nổ, pháo hoa nổ... không để tồn tại khoảng trống pháp luật.

* Bổ sung quy định cấm

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh nhận xét, hiện nay các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Nghị định số 36 đã không còn phù hợp. Một số hành vi nguy hiểm có liên quan đến các loại pháo nhưng chưa có quy định cấm như: nghiên cứu, chế tạo pháo trái phép hay hướng dẫn, huấn luyện chế tạo pháo trái phép... Đây là một trong những “lỗ hổng” khi hiện nay trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều clip hướng dẫn làm pháo nổ bằng các loại hóa chất, diêm.

Vì vậy, tại dự thảo lần này đã điều chỉnh, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể hóa hơn các hành vi này. Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung cấm việc nghiên cứu, chế tạo trái phép các loại pháo, thuốc pháo và phụ kiện bắn pháo hoa nổ. Đồng thời, cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo và thiết bị, phụ kiện để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định chi tiết trường hợp được sử dụng pháo và thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa nổ. Đặc biệt, dự thảo đã nêu rõ đối tượng, nội dung, trình tự thủ tục, thẩm quyền huấn luyện về quản lý, sản xuất, bảo quản, sử dụng pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ, kỹ thuật an toàn đối với pháo hoa.

Một trong những quy định mới của dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều