Lợi dụng tình hình thiên tai lũ lụt tại miền Trung và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã nghĩ ra nhiều chiêu thức lừa đảo tiền của người dân.
Lợi dụng tình hình thiên tai lũ lụt tại miền Trung và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã nghĩ ra nhiều chiêu thức lừa đảo tiền của người dân.
Một số tin nhắn mà chị Đ.T.M.T. (ngụ TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã trao đổi mua khẩu trang y tế trước khi bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tiền |
* Đủ chiêu trò lừa tiền
Ngay trong thời điểm hiện nay, khi người dân cả nước cùng hướng về miền Trung bằng những việc làm thiết thực, đóng góp ủng hộ cho những người gặp khó khăn vì thiên tai, bão lũ thì cũng có đối tượng lợi dụng sự việc đó để lừa đảo.
Gần nhất là vào ngày 20-10, một đối tượng giả danh người quen của chị N.T.H. (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) để lừa của chị này 50 triệu đồng. Chị H. kể, chị nhận được tin nhắn Zalo của một người quen yêu cầu gửi vào tài khoản ngân hàng của một người có tên P.T.T.S. (là chủ của tài khoản Facebook H.T.) số tiền 50 triệu đồng để ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị bão lũ.
Nghĩ đây là những người mà chị H. có quen biết nên chị này đã đồng ý chuyển số tiền trên để ủng hộ. Tuy nhiên, sau đó cũng chính từ “người quen” này yêu cầu chị H. chuyển thêm 70 triệu đồng để tiếp tục làm “từ thiện” cho người dân vùng lũ thì chị H. mới nghi ngờ và gọi điện thoại cho người quen. Qua trao đổi, chị H. mới biết các tài khoản trên của người quen đứng tên đều đã bị kẻ gian tấn công chiếm đoạt và không còn sử dụng được nữa. Biết mình bị lừa, chị H. đã đến cơ quan công an trình báo.
Tương tự, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, nhu cầu mua bán trang thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang tăng cao, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng ra tay lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác; thậm chí có đối tượng còn lừa đảo cả bạn bè của mình.
Đối tượng Đinh Hồng Khải bị cơ quan công an bắt giữ sau khi lừa đảo bán khẩu trang y tế. Ảnh: Trần Danh |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa vừa tạm giữ hình sự đối tượng Đinh Hồng Khải (25 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra của cơ quan công an, cuối tháng 1-2020, Khải dùng Zalo nhắn tin cho chị N.T.D. (27 tuổi, ngụ H.Xuân Lộc) là bạn của Khải nói có người quen đang làm việc ở Nhật Bản có thể cung cấp khẩu trang chất lượng với giá rẻ hơn rất nhiều ở thị trường Việt Nam.
Tin tưởng người bạn của mình, chị D. đã đồng ý mua 90 thùng khẩu trang với giá 970 ngàn đồng/thùng. Theo thỏa thuận, chị D. đã chuyển hơn 77 triệu đồng cho Khải để mua số khẩu trang nói trên. Tuy nhiên, sau khi nhận được số tiền trên, Khải đã không chuyển hàng mà cắt liên lạc và bỏ trốn.
Vào cuối tháng 3-2020, chị Đ.T.M.T. (ngụ TP.Vũng Tàu) cũng đến Công an TP.Biên Hòa tố cáo một người tên N.A.H. (ngụ tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa) lừa bán khẩu trang cho chị để chiếm đoạt số tiền gần 40 triệu đồng.
Thông qua mạng xã hội Facebook, chị T. được N.A.H. giới thiệu có bán khẩu trang. Qua trao đổi, chị T. đã đồng ý mua khẩu trang của người này để gửi tặng một số địa phương giúp người dân phòng dịch. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cho N.A.H., chị T. hoàn toàn không nhận được bất kỳ thùng khẩu trang nào như đã thỏa thuận nên chị T. đã đến cơ quan công an tố cáo kẻ lừa đảo.
* Cảnh giác với những tài khoản mạng xã hội ảo
Trước thực tế các vụ việc đã xảy ra trên địa bàn, Công an TP.Biên Hòa cũng cảnh báo, người dân cần cảnh giác trước những thông tin ảo tràn lan trên các trang mạng xã hội. Hiện nay, đang là thời điểm nhân dân cả nước dồn sức cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác thiện nguyện. Lợi dụng việc nhiều người đang cùng hướng về những người gặp hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ thì các đối tượng đã tìm cách trà trộn vào để tung thông tin giả, lập ra những tài khoản kêu gọi đóng góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại bởi bão lũ để lừa đảo.
Trao đổi về vấn đề này, đại úy Điền Việt Đức, cán bộ điều tra Công an TP.Biên Hòa cho biết, thời điểm hiện nay trên các trang mạng xã hội đang có rất nhiều người kêu gọi ủng hộ người dân gặp thiên tai, bão lũ tại các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, khi tham gia ủng hộ các hoạt động thiện nguyện, người dân cũng cần cảnh giác trước kẻ xấu sử dụng tài khoản ảo trên mạng xã hội để lừa đảo. Theo đại úy Đức, để hoạt động thiện nguyện được đảm bảo, người dân nên gửi đến các đơn vị, tổ chức hoặc các cơ quan chức năng có địa chỉ rõ ràng.
Ngoài ra, để không bị lừa khi mua hàng hóa qua mạng xã hội, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi đặt mua hàng qua các trang mạng xã hội cần phải sàng lọc kiểm chứng một cách chặt chẽ. Đặc biệt, khi giao dịch hàng hóa và chuyển tiền đều phải xác minh danh tính người nhận, người gửi một cách rõ ràng bằng trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại để nhận diện người thật, việc thật.
Để tránh rủi ro khi mua hàng số lượng lớn, theo cơ quan công an, người dân nên trực tiếp đến các cơ sở kinh doanh để mua hàng vừa để kiểm chứng về chất lượng hàng hóa, vừa đảm bảo việc giao nhận hàng chắc chắn. Trong trường hợp bị lừa đảo phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xác minh, khống chế và ngăn chặn sự dịch chuyển của tài khoản ngân hàng.
Trần Danh