Những năm gần đây, để chống trộm và quan sát người lớn tuổi, trẻ em trong nhà..., nhiều gia đình đã lắp đặt camera an ninh trong khuôn viên nhà. Tuy nhiên, trong quá trình lắp tại cổng, cửa, một số camera đã hướng ống kính sang khuôn viên nhà hàng xóm và việc này khiến nhiều người lo ngại bị theo dõi, xâm phạm sự riêng tư.
Những năm gần đây, để chống trộm và quan sát người lớn tuổi, trẻ em trong nhà..., nhiều gia đình đã lắp đặt camera an ninh trong khuôn viên nhà. Tuy nhiên, trong quá trình lắp tại cổng, cửa, một số camera đã hướng ống kính sang khuôn viên nhà hàng xóm và việc này khiến nhiều người lo ngại bị theo dõi, xâm phạm sự riêng tư.
Camera của một hộ dân ở P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) có hướng quay ở phần sân nhà và sang hộ kế bên. Ảnh: Đông Hồ |
* Nhiều người “lăn tăn”
Trong tháng 9-2020, hàng xóm của ông N.H.H. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) lắp đặt một số camera tại nhà, trong đó, có 2 camera ở cổng trước và bên hông hướng sang phần sân nhà ông H. Việc này khiến ông H. lo ngại những sinh hoạt của gia đình bị theo dõi, ghi hình lén. Khi trao đổi vấn đề này với hàng xóm thì ông H. được chủ nhà giải thích họ chỉ ghi hình phần đất nhà họ, camera lắp trên tường nhà họ, không dính líu gì tới nhà ông nên ông đừng có ý kiến.
Ông H. bày tỏ: “Dù họ nói vậy nhưng tôi cũng không yên tâm, vì hiện nay camera an ninh có thể dùng ứng dụng xem hình ảnh và điều khiển góc quay từ xa nên họ có thể điều chỉnh và ghi hình lén sinh hoạt gia đình tôi. Nhưng tôi cũng không thể buộc họ cho tôi xem hình ảnh đã ghi lại từ những camera hướng sang nhà tôi”.
Giống như ông H., chị N.T.N. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cùng một số người bạn cũng “lăn tăn” khi thấy chủ nhà trọ lắp camera tại nhiều góc trong khu nhà trọ. Họ lo ngại những sinh hoạt riêng tư dễ bị lọt vào camera. Tuy nhiên, với lý do để đảm bảo an ninh trật tự tại khu nhà trọ, những người ở trọ như chị N. cũng phải chấp nhận.
Theo anh N.V.K. (chủ một cửa hàng chuyên lắp đặt camera giám sát tại P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), hiện nay, giá thành của camera giám sát lắp tại nhà riêng không đắt (từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng), cách lắp đặt cũng đơn giản. Nếu như tại các cơ quan hoặc ở nhà riêng trước đây đều phải theo dõi qua một màn hình treo tường thì hiện nay tại nhà riêng, chủ nhà đều xem trực tiếp qua ứng dụng điện thoại. Bên cạnh đó, nhiều camera không cần lắp đặt phức tạp (khoan, bắt vít, đóng giá) mà chỉ cần đặt lên một mặt phẳng, nối với nguồn điện liên tục là đã có thể ghi hình được.
Anh N.V.K nói thêm: “Hiện nay, việc lắp đặt camera giám sát tại nhà riêng không cần phải có giấy phép, chỉ cần gia chủ có nhu cầu và trả tiền là sẽ được đáp ứng. Chúng tôi làm dịch vụ, khách muốn lắp đâu thì chúng tôi lắp đó”.
* Cần có văn bản hướng dẫn
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa và UBND một số phường trên địa bàn thành phố, hiện chưa có văn bản nào quy định, hướng dẫn các hộ dân tự lắp camera tại nhà. Vì vậy, người dân được tùy ý lắp đặt, nhưng do nhà ở đô thị san sát nên khó tránh khỏi việc camera nhà này ghi hình vào phạm vi nhà kế bên.
Lãnh đạo một UBND phường ở TP.Biên Hòa cũng cho rằng, nên bổ sung quy định chi tiết hướng lắp đặt camera tại nhà và nên xem nó như một hạng mục công trình, đồng thời trao quyền cấp phép về cho UBND hoặc công an các cấp. Vì thực tế, ngoài việc hàng xóm có cảm giác bị làm phiền, không loại trừ việc các đối tượng xấu lợi dụng chiếm quyền điều khiển để quay lén, theo dõi nhà hàng xóm.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh nhận định, dù quy định lắp đặt camera giám sát tại nhà không có nhưng việc lo lắng bị xâm phạm sự tự do cá nhân của người dân là điều có thật. Hiện nay, quy định pháp luật cũng có những điều khoản có thể vận dụng để xử lý khi hình ảnh riêng tư bị phát tán trái phép.
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu rõ: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với người nào thực hiện hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đông Hồ