Sáng 28-9, TAND tỉnh tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng thuê khoán vườn ươm và buộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phải hoàn trả cho nguyên đơn là vợ chồng ông Trần Hữu Sỹ (78 tuổi, ngụ xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Sáng 28-9, TAND tỉnh tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng thuê khoán vườn ươm và buộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phải hoàn trả cho nguyên đơn là vợ chồng ông Trần Hữu Sỹ (78 tuổi, ngụ xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Vợ chồng ông Trần Hữu Sỹ (ngồi hàng ghế đầu) tại phiên tòa sáng 28-9. Ảnh: Tố Tâm |
* Vụ tranh chấp kéo dài 20 năm
Theo nội dung vụ án, vào năm 1992, ông Sỹ ký hợp đồng thuê diện tích hồ rộng 27ha của Trung tâm Du lịch (thuộc Lâm trường Mã Đà) để thả cá với thời hạn 20 năm (5 triệu đồng/năm). Đến năm 1995, Trung tâm Du lịch giải thể và diện tích hồ được chuyển cho Lâm trường Mã Đà (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). Giữa lâm trường và ông Sỹ tiếp tục ký hợp đồng với nội dung như cũ và bổ sung thêm nội dung định kỳ 5 năm hai bên phải cùng nhau xem xét, điều chỉnh thay đổi vì lợi ích chung.
Đến năm 1998, Lâm trường Mã Đà yêu cầu ông Sỹ thu hoạch thủy sản để thanh lý hợp đồng nhưng ông không chấp nhận. Giữa năm 2000, lâm trường đơn phương chấm dứt hợp đồng nên ông Sỹ đã nộp đơn kiện lâm trường về việc tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm.
Vụ tranh chấp đã được đưa ra xét xử nhiều lần nhưng bị kháng cáo và bị hủy án. Đến tháng 10-2019, vụ án lại được TAND H.Vĩnh Cửu đưa ra xét xử sơ thẩm lần 3 và tuyên buộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai hoàn trả cho ông Sỹ hơn 1,2 tỷ đồng. Bản án này bị cả bị đơn và nguyên đơn kháng cáo nên hồ sơ được chuyển đến TAND tỉnh để xét xử phúc thẩm.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 25-9, phía nguyên đơn là ông Sỹ và luật sư bào chữa cho rằng, sau khi ký hợp đồng thuê khoán hồ vườn ươm từ năm 1995-1997, ông đã bỏ chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nuôi cá…Vào năm 2000, Lâm trường Mã Đà đơn phương chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại lớn cho ông. Do đó, tại phiên tòa xét xử, nguyên đơn yêu cầu bồi thường hơn 80 tỷ đồng bao gồm tiền đầu tư cơ sở vật chất, số cá không thu hoạch được và tiền lãi suất trong suốt 20 năm qua (trong đơn kiện, ông Sỹ yêu cầu bồi thường gần 100 tỷ đồng).
Theo ông Sỹ, việc nuôi cá được thực hiện theo phương thức đánh tỉa, thả bù nên khi không cho thả cá nữa thì ông không thu hoạch mà phải chờ cá lớn hơn mới dám đánh bắt. Tuy nhiên, vì không chấp nhận việc đơn phương chấm dứt hợp đồng từ phía lâm trường nên ông Sỹ không thu hoạch cá và cũng không dỡ bỏ các cơ sở vật chất đã tạo dựng.
“Hợp đồng thuê là do ông Sỹ ký nhưng biên bản thanh lý hợp đồng lại do vợ ông Sỹ là bà Trần Thị Điểm ký nên không có giá trị pháp lý. Việc lâm trường chấm dứt hợp đồng là vi phạm hợp đồng” - luật sư nguyên đơn bào chữa.
Trong khi đó, phía bị đơn khẳng định việc chấm dứt hợp đồng là đúng quy định pháp luật bởi lẽ trong hợp đồng có xác định sau 5 năm, hai bên sẽ ngồi lại với nhau để thỏa thuận nhưng sau 5 năm, hai bên không đạt được thỏa thuận như mong muốn nên hợp đồng coi như chấm dứt. Hơn nữa khi bị đơn ra thông báo cho đấu thầu thì nguyên đơn cũng không nộp hồ sơ đấu thầu để thuê lại và cũng chưa trả hết tiền thuê trước đó.
Đại diện Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, không có giấy tờ gì để xác định việc ông Sỹ có thả cá hay không. “Bị đơn cũng không có biên bản nào cấm ông Sỹ thu hoạch cá hoặc cấm dỡ bỏ các cơ sở vật chất đã đầu tư nên không đồng ý bồi thường thiệt hại” - đại diện bị đơn nói.
* Nguyên đơn được bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng
Phát biểu quan điểm về vụ án trong phiên tòa xét xử ngày 25-9, đại diện Viện KSND tỉnh cho rằng, việc đầu tư cơ sở vật chất của ông Sỹ trên lòng hồ là có thật (theo nguyên đơn là hơn 20 tỷ đồng) nhưng không cung cấp được chứng từ để chứng minh. Tuy nhiên, sau khi tiến hành định giá thì xác định số tiền ông Sỹ đầu tư là hơn 1,2 tỷ đồng. Do đó, việc buộc bị đơn phải hoàn trả cho nguyên đơn số tiền 1,2 tỷ đồng như bản án sơ thẩm tuyên là có cơ sở.
“Đối với việc ông Sỹ yêu cầu bồi thường thiệt hại về số cá không thu hoạch được, do không có giấy tờ để chứng minh nên không có cơ sở để xem xét. Đối với đơn kháng cáo của bị đơn không đồng ý thanh toán cho nguyên đơn số tiền hơn 1,2 tỷ đồng như bản án cấp sơ thẩm tuyên là không có cơ sở” - đại diện Viện KSND tỉnh nhận định.
Do đó, đại diện Viện KSND tỉnh đề nghị TAND tỉnh chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn là ông Sỹ và không chấp nhận kháng cáo của bị đơn là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Đồng quan điểm với đại diện Viện KSND tỉnh, sáng 28-9, TAND tỉnh đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm vào ngày 3-10-2019 của TAND H.Vĩnh Cửu.
Theo đó, TAND tỉnh nhận định việc đầu tư, cải tạo của ông Sỹ làm tăng giá trị của hồ Trị An nhưng chưa được bên cho thuê là Lâm trường Mã Đà thanh toán lại nên yêu cầu của ông Sỹ về nội dung này là có căn cứ. Xét giá trị đầu tư vợ chồng ông Sỹ bỏ ra đã được cấu thành vào giá trị tài sản thuê khoán là hồ vườn ươm, không thể thu hồi lại bằng hiện vật, do đó cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền hơn 1,2 tỷ đồng là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Đối với việc ông Sỹ yêu cầu phía bị đơn thanh toán giá trị số cá thành phẩm là không có cơ sở. Bởi lẽ, tại phiên tòa ông Sỹ thừa nhận việc không khai thác cá là do ông tự quyết định chứ không bị ai ngăn cản. Như vậy, việc ông Sỹ tự ý bỏ quyền khai thác, thu hoạch cá tại hồ thuê khoán không có lỗi của lâm trường.
Hội đồng xét xử nhận định, việc chấm dứt hợp đồng thuê khoán của Lâm trường Mã Đà với ông Sỹ vào năm 2000 là phù hợp với thỏa thuận đã giao kết giữa các bên. Ông Sỹ cho rằng, bên cho thuê khoán vi phạm thỏa thuận khi đơn phương chấm dứt hợp đồng là không có căn cứ.
Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa phúc thẩm, vợ chồng ông Sỹ đồng ý với mức bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng là giá trị tài sản đã đầu tư về cải tạo hồ vườn ươm. Nhưng ông còn yêu cầu bên cho thuê phải thanh toán thêm tiền lãi do chậm thực hiện việc thanh toán. Xét mức bồi thường trên được tổ chức thẩm định giá xác định theo giá trị tại thời điểm thẩm định năm 2015 nên việc nguyên đơn yêu cầu tính lãi chậm trả từ năm 2000 đối với khoản tiền trên là không có cơ sở chấp nhận.
Sau khi phiên tòa kết thúc, ông Sỹ cho biết, không đồng ý với bản án của tòa án cấp phúc thẩm và sẽ tiếp tục làm đơn kháng án lên tòa cấp trên để được xem xét giải quyết.
Tố Tâm