Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu quả của hành vi chứa chấp, tiêu thụ đồ gian

10:09, 09/09/2020

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt là BLHS năm 2015) thì người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị xử lý hình sự. Ngược lại, việc chứa chấp, tiêu thụ tài sản mà không biết đó là tài sản do người khác phạm tội mà có thì đó chỉ là giao dịch dân sự.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt là BLHS năm 2015) thì người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị xử lý hình sự. Ngược lại, việc chứa chấp, tiêu thụ tài sản mà không biết đó là tài sản do người khác phạm tội mà có thì đó chỉ là giao dịch dân sự.

Luật gia Lê Văn Nhân và Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn pháp luật về dân sự cho người dân xã Suối Cao (H.Xuân Lộc). Ảnh: Đoàn Phú
Luật gia Lê Văn Nhân và Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn pháp luật về dân sự cho người dân xã Suối Cao (H.Xuân Lộc). Ảnh: Đoàn Phú

Chính vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch trên sẽ vô hiệu khi bên chứa chấp, tiêu thụ biết được tài sản này do người gửi, người bán có được do phạm tội mà có. Lúc này trách nhiệm hình sự thuộc về người gửi, người bán chứ không liên quan tới người chứa chấp, tiêu thụ.

* Chế tài xử lý nghiêm

Ngày 20-6, 2 đối tượng N.V.S. và V.V.T. (ngụ TP.Biên Hòa) mang xe máy biển số 36B4-047.71 đến một tiệm mua bán xe máy cũ ở P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) bán thì tổ tuần tra Công an P.Long Bình Tân phát hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra và xác định chiếc xe mà các đối tượng sử dụng không có giấy tờ. Qua làm việc, S. và T. khai nhận đã lấy trộm chiếc xe trên của một người dân ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa).

Trước đó, ngày 14-4, Công an P.Trảng Dài kiểm tra hành chính phòng trọ của H.P.H. thì phát hiện 7 xe máy các loại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. H. khai nhận, ngoài chiếc xe biển số 51A9-0156 là của mình mua trên mạng, 6 xe còn lại là nhận giữ cho một người tên L. khoảng 1 tháng và có thu tiền. Qua xác minh ban đầu, trong số các xe trên có 2 xe máy biển số 86B7-172.80 và 70K1-483.80 là tang vật vụ trộm cắp tài sản xảy ra tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) và H.Trảng Bom.  Được biết, H. từng có tiền án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh phân tích, người mua (tiêu thụ), nhận giữ xe máy (chứa chấp) nếu không biết S., T. và L. có được tài sản là do phạm tội mà có thì sẽ không phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323, BLHS năm 2015). Dù không phạm tội hình sự nhưng giao dịch dân sự đó sẽ vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên có nghĩa vụ trả lại cho nhau những gì đã nhận (Điều 131, Bộ luật Dân sự năm 2015).

“Còn nếu người mua (tiêu thụ), nhận giữ (chứa chấp) biết rõ tài sản đó là do S. ,T., L. phạm tội mà có nhưng vẫn đồng ý mua, cho gửi thì sẽ bị chế tài theo BLHS năm 2015. Trường hợp của H. sẽ bị BLHS năm 2015 chế tài nghiêm hơn vì tài sản phạm tội có giá trị lớn, tái phạm” - luật sư Hà phân tích.

Cũng theo luật sư Hà, Điều 323, BLHS năm 2015 quy định, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3-7 năm: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm.

* Thận trọng kẻo rước họa vào thân

Luật sư Hà cho biết, hậu quả của việc chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có khá nặng. Tùy tính chất, mức độ vụ việc, ngoài bị xử lý hình sự như đã nêu ở trên, còn bị cơ quan có thẩm quyền thu lại tài sản phạm tội để giao cho người bị mất, cho dù người tiêu thụ đã thanh toán tiền cho người bán. Do đó, người dân cần cẩn trọng khi giao dịch, mua bán, chứa chấp những tài sản không rõ nguồn gốc, tránh rước họa vào thân.

“Theo pháp luật về dân sự thì người tiêu thụ có quyền khởi kiện người bán trả lại tiền. Tuy nhiên, để thu được lại đúng số tiền đã trao cho người phạm tội thì không phải dễ. Bởi vì, số tiền bán tài sản đa phần người phạm tội đã tiêu xài hết hoặc khi bị bắt, bị phạt tù, người phạm tội thường không còn khả năng để bồi thường” - luật sư Hà phân tích.

Tương tự, theo luật gia Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh, mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Điều này thật sự là món nợ “khó đòi” đối với những ai lỡ mua nhầm tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều