Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, sỏi trái phép

10:08, 27/08/2020

Trong thời gian qua, việc khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trái phép trên sông Đồng Nai làm sạt lở nhà cửa, đất sản xuất của người dân vẫn tiếp tục diễn biến khá phức tạp.

Việc khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trái phép trên sông Đồng Nai làm sạt lở nhà cửa, đất sản xuất của người dân trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, theo quy định pháp luật hành vi khai thác cát, sỏi trái phép có chế tài xử lý rất nghiêm.

Một số phương tiện khai thác cát trái phép bị lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện, thu giữ tại xã Tam An (H.Long Thành). Ảnh: Trần Danh
Một số phương tiện khai thác cát trái phép bị lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện, thu giữ tại xã Tam An (H.Long Thành). Ảnh: Trần Danh

Luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh cho hay, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép sẽ bị phạt hành chính (phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện) hoặc có thể bị xử lý hình sự.

* Khai thác cát trái phép, bị xử lý ra sao?

Mặc dù các lực lượng chức năng đã ra quân tuần tra, kiểm soát, phát hiện nhiều vụ khai thác cát trái phép nhưng trong thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép vẫn tái diễn. Gần nhất vào ngày 20-8, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh trong quá trình tuần tra, kiểm soát đoạn sông khu vực xã Tam An (H.Long Thành) phát hiện 3 ghe gỗ đang hút cát trái phép lên các ghe vận chuyển. Khi thấy công an, các đối tượng ngay lập tức nhấn chìm ghe và nhảy xuống sông tẩu thoát. Lực lượng công an cũng đã kịp thời giữ được 1 ghe hút và 2 ghe vận chuyển đang chứa khoảng 10m3 cát.

Liên quan đến hành vi khai thác cát trái phép nêu trên, luật sư Cao Sơn Hà cho biết chế tài xử phạt cụ thể như sau: Điều 48, Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày
24-3-2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định mức xử phạt từ 20-200 triệu đồng (tương ứng khoáng sản đã khai thác trái phép dưới 10m3 - trên 50m3) đối với hành vi vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra...

Luật sư Cao Sơn Hà cho biết thêm, việc khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai nhằm tận thu khoáng sản, thông luồng, tuyến và nằm trong kế hoạch, dự án, giấy phép khai thác của tổ chức, cá nhân được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép là điều bình thường, đúng pháp luật. Tuy vậy, việc khai thác phải được thực hiện đúng pháp luật, nếu tác động xấu tới môi trường, dòng chảy, vườn rẫy, nhà cửa của dân... thì tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra, người vi phạm sẽ bị chế tài theo pháp luật về hành chính, hình sự.

* Trách nhiệm hình sự

Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép nếu cấu thành tội phạm theo Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên) và Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông) Bộ luật Hình sự năm 2015 thì bị phạt tiền tới 5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng tới 7 năm.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào vi phạm quy định về khai thác tài nguyên trong đất liền, nội thủy  mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: thu lợi bất chính khoáng sản trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tại Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên; có tổ chức; gây sự cố môi trường; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Để tránh tình trạng xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép như “bắt cóc bỏ dĩa” hiện nay, theo luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương, ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát trên sông, xử phạt nghiêm đối với hành vi khai thác cát trái phép; cũng cần xử phạt các  bến bãi thu mua cát của đối tượng khai thác trái phép nhằm mục đích răn đe, ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán cát, sỏi trái phép diễn ra tràn lan, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh. 

Đoàn Phú

Tin xem nhiều