Lợi dụng sự tiến bộ về công nghệ, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức ngày càng tinh vi. Đồng thời, vì nhu cầu công việc, sự tiến thân, lợi ích bất hợp pháp của cá nhân mà không ít người bất chấp quy định cấm, vẫn đi làm các tài liệu giả như: bằng cấp, giấy phép kinh doanh, hợp đồng giao dịch...
Lợi dụng sự tiến bộ về công nghệ, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức ngày càng tinh vi. Đồng thời, vì nhu cầu công việc, sự tiến thân, lợi ích bất hợp pháp của cá nhân mà không ít người bất chấp quy định cấm, vẫn đi làm các tài liệu giả như: bằng cấp, giấy phép kinh doanh, hợp đồng giao dịch...
Tang vật trong các vụ làm giả con dấu, giấy tờ bị Công an tỉnh và Công an H.Long Thành thu giữ. Ảnh: Trần Danh |
Trong thời gian qua, tình trạng làm giả giấy tờ và sử dụng các loại giấy tờ giả để xin việc làm, hợp thức hóa các thủ tục để đề bạt, bổ nhiệm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc làm giả giấy tờ và sử dụng giấy tờ giả đã bị phát hiện và xử lý.
* Vì lợi ích bất chấp quy định cấm
Từ nguồn tin tố giác tội phạm của người dân, Công an H.Long Thành vừa bắt tạm giam Phạm Văn Thương (40 tuổi, ngụ TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo tố cáo của người dân, Thương đã làm giả các công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ TN-MT… để giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo mà người dân nhờ Thương làm trung gian lo công việc.
Quá trình khám xét nơi ở của Phạm Văn Thương, công an thu giữ 4 dấu mộc làm giả dấu mộc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ TN-MT và Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Dương, cùng một số tài liệu, bằng cấp mang tên Phạm Văn Thương nghi bị làm giả.
Trước đó, Công an tỉnh tạm giữ hình sự 3 đối tượng chuyên làm giấy tờ giả là Trần Khánh Trình (40 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), Tạ Tiến Anh (39 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình) và Đỗ Hồng Lĩnh (29 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa). Khám xét nơi ở của Trình ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cơ quan chức năng thu giữ nhiều tang vật liên quan đến làm giấy tờ giả như: 3 máy vi tính chứa rất nhiều dữ liệu để làm các loại giấy tờ, tài liệu giả; 2 máy in màu, 1 máy ép nhựa; 6 phôi bằng cấp các loại, 131 mẫu con dấu các đơn vị, cơ sở giáo dục, dạy nghề trên khắp cả nước; 300 tem dán trên phôi bằng, cùng nhiều tang vật liên quan khác...
Bên cạnh tình trạng làm các loại giấy tờ giả, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện tình trạng sử dụng các giấy tờ giả để xin việc làm, thậm chí có trường hợp sử dụng bằng bác sĩ giả để hành nghề khiến dư luận rất bức xúc. Gần nhất là vào tháng 6-2020, Sở Y tế gửi hồ sơ qua Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) đề nghị điều tra, xử lý bà Trần Xuân Ngọc (42 tuổi, ngụ TP.HCM) do nghi vấn sử dụng bằng cấp giả.
Bà Ngọc cung cấp hồ sơ tốt nghiệp Y đa khoa tại Trường đại học Y dược TP.HCM (số hiệu 191/Y96 cấp ngày 10-10-2002) để làm việc cho một phòng khám. Tuy nhiên, Trường đại học Y dược TP.HCM khẳng định, bà Ngọc không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp đại học hệ chính quy ngành Y đa khoa năm 2002 của trường và không được cấp bằng ngày 10-10-2002.
* Hành vi làm giả hoặc sử dụng con dấu giả đều bị xử phạt như nhau
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì hành vi vi phạm pháp luật của những người trên bị chế tài rất nghiêm.
Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Còn theo Khoản 2, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-5 năm: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
Riêng Khoản 3, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3-7 năm: làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
“Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đều bị xử lý như nhau. Ngoài hình phạt quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Điều 341 của bộ luật này, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng về hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” - luật sư Định nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, vấn đề sử dụng, làm giả tài liệu, con dấu giả của cơ quan, tổ chức đều nhằm mục đích vụ lợi phi pháp, lừa dối, lừa đảo. Hành vi này thực hiện càng tinh vi, có tổ chức thì càng bị xử lý nghiêm. Do đó, cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết, tránh xa việc tiếp tay cho hành vi trên để tránh tiền mất tật mang, tù tội. |
Diễm Quỳnh