Hiện nay, nhiều người có sở thích nuôi các con vật trong nhà (thông thường là chó, mèo...). Tuy nhiên, việc quản lý các con vật không chặt chẽ dẫn đến trường hợp các vật nuôi này tấn công, gây nguy hiểm cho người khác.
Hiện nay, nhiều người có sở thích nuôi các con vật trong nhà (thông thường là chó, mèo...). Tuy nhiên, việc quản lý các con vật không chặt chẽ dẫn đến trường hợp các vật nuôi này tấn công, gây nguy hiểm cho người khác.
Chó nuôi thả rông trên đường Đặng Đại Độ (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có thể gây nguy hiểm cho những đứa trẻ chơi gần đó. Ảnh: M.Thành |
* Nguy cơ mất an toàn từ vật nuôi
Nhiều gia đình nuôi chó, mèo thường thả rông vật nuôi chứ không xích lại do quan niệm... chó bị xích lại sẽ dữ. Vì vậy, hiện vẫn còn tình trạng chó được thả rông trong các khu dân cư, phóng uế ra đường phố gây mất mỹ quan đô thị hoặc tấn công người đi đường, gây thương tích, nguy hiểm đến tính mạng của người khác. Điển hình như, vào ngày 3-4-2019, một bé trai 7 tuổi (H.Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đã bị đàn chó béc-giê của hàng xóm cắn đến tử vong.
Đáng chú ý, hiện nay, nhiều người còn chọn nuôi những loại độc, lạ trong nhà như: rắn, trăn, nhện rừng, rùa, khỉ... Một cán bộ kiểm lâm cho biết, đây là những con vật quen sống trong môi trường hoang dã, quen với môi trường rừng cùng tập tính sinh hoạt trong tự nhiên. Khi nuôi nhốt trong môi trường thành phố chật hẹp với lồng, xích sắt, các con vật này dễ bị căng thẳng dẫn tới sẵn sàng tấn công con người.
Cụ thể như vào tối 3-11-2018, anh N.B.L. (làm thuê cho một trang trại gà tại xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) đã bị trăn của chủ trang trại quấn đến chết. Hay mới đây, một con khỉ của một cơ sở thờ tự trên địa bàn P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) bị xổng chuồng đã vào quậy phá trong khu dân cư trên đường Nguyễn Thị Tồn (P.Bửu Hòa) khiến người dân nơi đây không khỏi lo ngại.
Bà Nguyễn Thị Thuận (ngụ P.Bửu Hòa) bày tỏ lo lắng: “Nuôi con vật trong nhà là quyền của mỗi người, miễn là không vi phạm pháp luật nhưng cũng nên nghĩ đến người xung quanh và nhất là phải có trách nhiệm với vật nuôi. Nếu do chủ quan hay sơ suất để vật nuôi xổng ra ngoài, hù dọa người khác, gây thương tích, làm cư dân xung quanh bất an thì chủ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Tương tự ông Nguyễn Quang Sáng (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Tôi thấy nhiều người thậm chí còn nuôi các loại có độc như các dòng nhện châu Á, châu Mỹ (kích thước lớn, ngoại hình “kinh dị”) và cho chúng sinh sản để bán công khai nhưng lại không bị cơ quan nào xử lý. Ngoài nguy cơ tấn công con người thì những động vật hoang dã này còn có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm”.
Không chỉ nuôi trong nhà, một số người còn thường xuyên chở vật nuôi, vật cưng bằng xe máy (không có lồng nhốt) trên đường khiến nhiều người tham gia giao thông lo ngại về tai nạn do người chủ mất tập trung hoặc con vật nhào xuống đường tấn công người khác.
* Siết quản lý
Theo luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, hiện nay để quản lý và gắn trách nhiệm của người chủ với vật nuôi, vật cưng đã có Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó quy định chi tiết mức phạt với các hành vi về kiểm dịch, phòng dịch, an toàn khi nuôi (không tiêm phòng, không rọ mõm chó...).
Con khỉ xổng chuồng phá phách trong khu dân cư trên đường Nguyễn Thị Tồn (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: C.T.V |
Ngoài ra, Điều 603, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu. Đây là trách nhiệm bồi thường dân sự cho những thiệt hại về vật chất hoặc sức khỏe do súc vật gây ra. Còn trong trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ thiệt hại.
Cụ thể, nếu súc vật gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% thì áp dụng Điều 138, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu súc vật làm chết người thì chủ của vật nuôi đó sẽ bị áp dụng Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vô ý làm chết người. Theo đó, người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm; phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3-10 năm.
Minh Thành