Ngày 11-5 , Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 630/QĐ-TTg (gọi tắt Quyết định số 630) ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Quyết định nhấn mạnh vai trò của lực lượng PCCC tại cơ sở mà cụ thể là lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Ngày 11-5 , Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 630/QĐ-TTg (gọi tắt Quyết định số 630) ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Quyết định nhấn mạnh vai trò của lực lượng PCCC tại cơ sở mà cụ thể là lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở của TP.Biên Hòa tham gia hội thao kiểm tra nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy năm 2019. Ảnh: M.Thành |
* Vai trò “tiên phong”
Tại phần 3, mục II của Quyết định số 630 nêu rõ, phân công Bộ Công an tích cực xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo). Đồng thời, Bộ Công an cũng chủ trì tham mưu Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở (hoàn thành trong quý I-2021).
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, Quyết định số 630 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng PCCC cơ sở; tạo tiền đề để cơ quan chức năng tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cũng như đầu tư các phương tiện PCCC cho cơ sở, góp phần làm tốt hơn nữa công tác PCCC tại chỗ.
Tại Đồng Nai, các xã, phường, thị trấn đều có các đội dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân thường trực... Đây là những lực lượng có mặt đầu tiên khi xảy ra cháy và tiến hành chữa cháy bước đầu, ngăn cháy lan trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng này, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã phối hợp với công an các địa phương tăng cường tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn (chỉ tính riêng trong năm 2019 đã tổ chức hơn 1,2 ngàn lớp huấn luyện với hơn 39 ngàn người tham gia).
Trung tá Lâm Văn Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an H.Long Thành cho biết: “Với lợi thế bám sát địa bàn, các lực lượng tại địa phương, cơ sở là người nắm tin tức, xác minh thông tin cháy và có mặt tại hiện trường đầu tiên. Họ không chỉ trực tiếp chữa cháy mà còn có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân địa phương thực hiện tốt các quy định về PCCC, nhờ đó phòng ngừa hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra”.
Theo phản ánh từ nhiều địa phương trong tỉnh, hiện nay trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC cơ sở “còn mỏng” do kinh phí các địa phương hạn hẹp nên khi đầu tư phương tiện, trang bị chữa cháy chỉ có thể thực hiện “cuốn chiếu”, mỗi năm một ít. Đặc biệt, lực lượng PCCC cơ sở còn thiếu các phương tiện chuyên dùng, chỉ có các bình chữa cháy xách tay nên khá hạn chế khi xử lý cháy bước đầu. Đồng thời, nhiều người còn có công việc khác ngoài tham gia công tác PCCC nên để huy động tức thời còn nhiều khó khăn. Đây cũng là một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới để công tác PCCC ở cơ sở ngày càng hoàn thiện hơn.
* Cần có chế độ, chính sách cho lực lượng PCCC cơ sở
Trước những khó khăn trên, một số địa phương đã có các sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả chữa cháy cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân thường trực... như: liên kết với các đơn vị có xe bồn, ký kết phối hợp với các đơn vị quân đội có xe chữa cháy đóng quân trong khu vực, tự chế xe chữa cháy... Nhờ đó, vào cao điểm mùa khô vừa qua, nhiều đám cháy cỏ vừa bùng phát đã được lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố phối hợp kịp thời kiểm soát.
Lãnh đạo UBND P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) hướng dẫn quy trình sử dụng xe chữa cháy tự chế cho lực lượng dân quân địa phương |
Cụ thể như tại xã Bình Sơn (H.Long Thành), UBND xã đã phối hợp với Nông trường Cao su Long Thành điều động xe bồn có vòi phun hỗ trợ lực lượng tại chỗ chữa cháy ban đầu, dập tắt các đám cháy, ngăn lan rộng. Hay tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa), UBND phường đã vận động nguồn lực xã hội hóa, sắm các thùng chứa nước, máy bơm di động, khi xảy ra sự cố sẽ đưa lên xe tải của Công an phường, nhanh chóng đến hiện trường chữa cháy.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực cho chính đội viên dân phòng, bảo vệ dân phố, các huyện, thành phố còn đều đặn tổ chức hội thao kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào tháng 9 hằng năm. Việc này để lực lượng các xã, phường, thị trấn có dịp rèn luyện các kỹ năng và kịp thời có biện pháp chấn chỉnh các thiếu sót.
Theo công an các địa phương trong tỉnh, trong thời gian tới, để công tác PCCC ở cơ sở đạt hiệu quả cao, các địa phương cần có chế độ, chính sách để khuyến khích lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC. Đặc biệt sớm trang bị phương tiện chữa cháy, bảo hộ theo Thông tư số 56/2014/TT-BCA ngày 12-11-2014 của Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành để đảm bảo an toàn cho lực lượng cơ sở.
Minh Thành