Nhu cầu xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân nông thôn, đô thị rất cao. Pháp luật đã quy định rõ các trường hợp bị cấm xây dựng, phải xin phép xây dựng và được miễn xin phép xây dựng. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm túc dẫn tới hiện tượng xây dựng tràn lan, trái phép, không đúng quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất.
Nhu cầu xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân nông thôn, đô thị rất cao. Pháp luật đã quy định rõ các trường hợp bị cấm xây dựng, phải xin phép xây dựng và được miễn xin phép xây dựng. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm túc dẫn tới hiện tượng xây dựng tràn lan, trái phép, không đúng quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất.
Lực lượng chức năng của TP.Biên Hòa cưỡng chế một công trình xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm ở P.Tam Phước. Ảnh: Khắc Thiết |
Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho hay, việc xây nhà ở dù là nhu cầu chính đáng nhưng người dân phải chấp hành đúng quy định pháp luật về đất đai, xây dựng. Muốn xây nhà ở, người dân cần chú ý khu vực đất có bị cấm xây dựng hay không, nhất là trường hợp đất ao, hồ, ruộng, vườn...
* Các trường hợp bị cấm xây dựng
Bà N.T.Q. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) phản ảnh, khu vực đất quy hoạch mặt nước, nông nghiệp thuộc KP.6 (P.Tân Phong), khu vực giáp ranh giữa KP.7 và KP.9 (P.Tân Phong), mặc dù bị cấm xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng trong thời gian qua, nhiều người dân vẫn tự ý xây nhà.
Tương tự ông N.V. (ngụ KP.7, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng cho biết, nhiều khu vực đất nông nghiệp trên địa bàn phường chưa được phép xây dựng nhà ở vẫn được phân lô, bán nền để xây dựng nhà ở riêng lẻ. Mặc dù địa phương đã gắn bảng ngăn cấm, khuyến cáo xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép nhưng nhiều người vẫn không chấp hành. Không ít người còn lấp cả ao hồ, lấn suối để làm nhà, công trình phụ.
Về nội dung này, luật sư Ngô Văn Định cho hay, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Do đó, nếu người dân muốn xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đất nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp thì phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sang đất ở. Việc chuyển đổi này phải đúng quy định pháp luật, được địa phương cho phép, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế khi chuyển đổi và việc xây dựng nhà ở cũng phải xin phép.
Tại Khoản 3, Điều 12 Luật Xây dựng năm 2014 nghiêm cấm các hành vi như: xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này.
* Trường hợp nào được miễn xin phép xây dựng?
Theo thắc mắc của một số người dân tại các xã: Tà Lài (H.Tân Phú), Bình Sơn (H.Long Thành), Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ), trường hợp nào xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn phải xin phép xây dựng hoặc không cần xin phép (miễn) xây dựng?
Trợ giúp viên Lê Minh Tuấn, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cho biết, tại Khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014 quy định, công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm: công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư; công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa...
“Như vậy, theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn nếu xây dựng trên đất không thuộc khu vực bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa thì được miễn giấy phép xây dựng. Còn nhà ở riêng lẻ đô thị khi người dân muốn xây dựng cần phải xin phép cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng” - ông Tuấn nói.
Tuy nhiên ông Tuấn lưu ý, tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 93, Luật Xây dựng năm 2014 cũng quy định rõ, điều kiện cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ khu vực đô thị và nông thôn như sau: đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 93 và phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Theo Sở TN-MT, tình trạng xây dựng nhà ở tràn lan, trái quy hoạch, trên đất ao hồ, ruộng lúa, không tuân thủ các quy định về đất đai, xây dựng... vẫn còn diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Do đó, việc tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về xây dựng, đất đai bằng những phương pháp hữu hiệu như: pháp luật, hành chính, phổ biến, tuyên truyền pháp luật... cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục thì mới đạt hiệu quả cao.
Luật sư Ngô Văn Định, Hội Luật gia tỉnh cho hay, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị mà không được cấp giấy phép xây dựng thì bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Ngoài việc bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung như: buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm... |
Đoàn Phú