Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển mạng lưới xe buýt: Giải pháp giảm áp lực giao thông đô thị

03:03, 19/03/2020

Gia tăng xe cá nhân, hệ thống hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển của xã hội khiến nhiều đô thị đối mặt với các nguy cơ về ùn tắc và tai nạn giao thông.

Gia tăng xe cá nhân, hệ thống hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển của xã hội khiến nhiều đô thị đối mặt với các nguy cơ về ùn tắc và tai nạn giao thông. Phát triển xe buýt, nhất là xe buýt nội ô, để hạn chế xe cá nhân, góp phần giảm kẹt xe là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này.

Bến xe Biên Hòa tập trung nhiều tuyến xe buýt đi qua trung tâm thành phố
Bến xe Biên Hòa tập trung nhiều tuyến xe buýt đi qua trung tâm thành phố. Ảnh: T.Hải

[links()]Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và tiết kiệm chi phí cho người dân. Tuy nhiên, thực tế loại hình vận tải bằng xe buýt đang bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm có giải pháp khắc phục, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.

* Hành khách chưa có nhiều lựa chọn

Trong thời gian qua, Đồng Nai đã thay thế, đưa vào sử dụng hàng loạt xe buýt chất lượng cao trên một số tuyến xe buýt khu vực trung tâm TP.Biên Hòa như: tuyến số 1, tuyến số 2, tuyến số 3, tuyến số 7, tuyến số 8... Qua đó, tạo thuận lợi cho hành khách khi tham gia vận tải công cộng. Đó là những giải pháp mà Sở GT-VT đang nỗ lực thực hiện nhằm nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt.

TP.Biên Hòa có 16 tuyến xe buýt đi qua

Đồng Nai chính thức triển khai đồng loạt 7 tuyến xe buýt từ năm 2005. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 23 tuyến xe buýt với tổng số 425 phương tiện. Mạng lưới các tuyến xe buýt đã phủ khắp toàn tỉnh; các huyện và 2 đô thị TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa đều có tuyến xe buýt đi qua. Riêng khu vực TP.Biên Hòa có đến 16 tuyến xe buýt với 16 đơn vị vận tải đảm nhận. Các tuyến xe buýt này có điểm đầu, cuối tuyến xuất phát từ trung tâm TP.Biên Hòa hoặc lộ trình tuyến đi qua địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, hiện nay, số người sử dụng xe cá nhân lưu thông ở TP.Biên Hòa vẫn còn cao. Một trong những nguyên nhân là hệ thống xe buýt trong đô thị  chưa đa dạng các tuyến xe buýt, thiếu các tuyến xe buýt kết nối trong các tuyến đường nội ô thành phố với các khu công nghiệp lân cận, thời gian lưu thông kéo dài, hành khách phải chờ đợi lâu… đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề đi lại, công việc của người dân.

Ông Nguyễn Thành Phương (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) cho hay, hằng ngày ông đến công ty ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) làm việc bằng xe buýt. So với xe đưa đón công nhân, xe buýt rẻ và chất lượng tốt hơn do xe mới, trang bị điều hòa.

Theo ông Phương, loại hình vận tải hành khách công cộng này vẫn còn một số bất tiện cần phải cải thiện, thay đổi. Trong đó, việc xe buýt hay trễ giờ ảnh hưởng đến công việc khi khách phải chờ đợi lâu nên không chủ động được thời gian. Không ít lần ông Phương bị trễ giờ làm do phải chờ xe buýt lâu.

Ông Phương bộc bạch, các tuyến xe buýt chưa phong phú, chưa đi sâu vào các tuyến đường khu công nghiệp, khu dân cư. Hiện nay, lượng công nhân rất lớn trong khi xe đưa đón không đáp ứng hết nhu cầu nên buộc phải sử dụng xe cá nhân. Do đó, các tuyến xe cần có điều chỉnh phù hợp, chú trọng đến đối tượng khách hàng là công nhân, người lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp.

Đồ họa thể hiện hệ thống mạng lưới xe buýt đi qua khu vực trung tâm TP.Biên Hòa. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC)
Đồ họa thể hiện hệ thống mạng lưới xe buýt đi qua khu vực trung tâm TP.Biên Hòa. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC)

Nói về những bất tiện khi đi xe buýt, chị Hoàng Ngọc Thương (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, vào những giờ cao điểm, đường phố ùn tắc, xe buýt phải nhích từng chút một khiến người đi xe rất khó chịu, còn đi xe máy thì có thể đi nhanh hơn. Không khí trên xe cũng ngột ngạt do đông người nên thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy dễ bị móc túi, trộm cắp. Nhiều trạm dừng chờ xe buýt dành cho hành khách hiện còn nhếch nhác, nhiều người phải đứng chờ giữa thời tiết nắng, mưa rất bất tiện.

* Giảm áp lực giao thông đô thị

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) Trần Quang Bình, tiềm lực thực hiện và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Đồng Nai, cụ thể là TP.Biên Hòa, vẫn còn rất lớn. Với dân số hơn 1,3 triệu người, trên địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp cũng như hệ thống trường học, bệnh viện đa dạng thì việc xây dựng các tuyến xe buýt nội thị là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị lớn.

Theo ông Bình, xe buýt là phương tiện có nhiều lợi thế khi vận chuyển khối lượng lớn. Nếu so với những phương tiện cá nhân khác như xe máy, xe ô tô thì lượng người đi bằng xe buýt có diện tích chiếm dụng thấp. Mặt khác, chi phí bình quân cho một chuyến đi lại bằng xe buýt rẻ gấp nhiều lần. Vì vậy, vận tải bằng xe buýt sẽ giảm được ùn tắc giao thông, nâng cao văn minh đô thị.

Một trong những điều kiện để xe buýt phát triển là mạng lưới giao thông, điều kiện về hạ tầng phải phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt của TP.Biên Hòa còn hạn chế; nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp, hẹp, tốc độ lưu thông chậm; chưa có bến đầu, bến cuối bảo đảm tiêu chuẩn, thuận tiện, an toàn cho hoạt động xe buýt.

Ngoài ra, hệ thống bảng thông tin, biển báo tại các điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu - cuối còn thô sơ, đơn điệu chỉ dưới dạng các biển báo và thiếu thông tin. Do đó, xe buýt phải có sự thu hút hấp dẫn hơn so với xe cá nhân như: lợi thế về thời gian di chuyển, đảm bảo tính an toàn, tính tiện nghi trong mỗi chuyến đi… thì người dân mới ưu tiên chọn đi xe buýt.

“Đồng Nai muốn xây dựng mạng lưới xe buýt hoàn chỉnh, cần thêm nhiều điểm trung chuyển xe buýt ngoài vùng rìa để kết nối giữa tuyến xe buýt này với tuyến khác và để trung chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng. Từ đó, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn” - ông Bình nhấn mạnh.

Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT) Đỗ Thị Hải Phương cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, nghiên cứu tham mưu mở thêm tuyến trợ giá phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, đơn vị sẽ theo dõi, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thay mới, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trên tuyến.

Theo bà Phương, so với trước đây, nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân giảm theo từng năm. Để nâng cao chất lượng, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng sẽ tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của hành khách, đánh giá sự chuyển biến và mức độ hài lòng, chưa hài lòng về chất lượng xe buýt, từ đó đề xuất tham mưu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, tăng cường theo dõi thiết bị giám sát hành trình và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tốc độ, hành trình, thời gian lái xe… không để người dân phàn nàn về những bất cập này.

“Ngoài những biện pháp này, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ nâng cao ý thức, thái độ, chất lượng phục vụ đối với hành khách để ngày càng thu hút người dân sử dụng xe buýt” - bà Phương nói.     

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều