Vì muốn làm nổi, "câu view" trên mạng xã hội hoặc do nóng giận tức thời, một số người tự đập, phá, đốt tài sản của chính mình mà không nghĩ rằng hành vi này có thể vi phạm pháp luật.
Vì muốn làm nổi, “câu view” trên mạng xã hội hoặc do nóng giận tức thời, một số người tự đập, phá, đốt tài sản của chính mình mà không nghĩ rằng hành vi này có thể vi phạm pháp luật.
Các luật sư, luật gia (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn pháp luật cho người dân tại buổi tư vấn pháp luật lưu động ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Ảnh: Đ.Phú |
Luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh cho hay, pháp luật quy định cá nhân có quyền định đoạt tài sản của mình như: chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản nhưng để thực hiện quyền này đòi hỏi cá nhân đó phải có năng lực hành vi dân sự thực hiện và không trái với các quy định khác của pháp luật.
* Tự ý hủy hoại tài sản của chính mình
Mới đây, tại buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh chi nhánh H.Vĩnh Cửu (thuộc Sở Tư pháp) ở xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu), ông L.B. (ngụ ấp 5, xã Vĩnh Tân) thắc mắc, trong trường hợp vì bị công an xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ, một người đã tự ý đốt xe máy của mình. Vậy việc làm này có vi phạm pháp luật hay không?
Về vấn đề này, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Minh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh chi nhánh H.Vĩnh Cửu cho biết, dù chiếc xe này thuộc sở hữu riêng, cá nhân có quyền định đoạt tài sản, nhưng trong trường hợp này có vi phạm Luật Giao thông đường bộ nên hành vi đốt xe sẽ bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ theo Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt: cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, theo trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Minh, người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tự đốt, phá phương tiện của mình trên đường giao thông tức là tại nơi công cộng, thì hành vi của người này có thể gây ách tắc giao thông hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn của những người tham gia giao thông khác nên đủ điều kiện cấu thành tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
“Trong trường hợp cá nhân tự đập phá, phá hủy phương tiện giao thông là xe đi thuê, đi mượn hoặc là tài sản của người khác, của vợ chồng thì hành vi phá hủy tài sản có thể bị điều tra về hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” - trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Minh nhấn mạnh.
* Không được xem là chuyện nhỏ
Luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, trong thực tiễn xảy ra rất nhiều chuyện tưởng “nhỏ nhưng không nhỏ” vì cứ nghĩ tài sản của mình thì mình có quyền định đoạt nhưng vẫn bị pháp luật xử lý về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như: chồng say xỉn đập phá nhà cửa, đồ đạc của gia đình, vợ (chồng) trộm tiền, vàng là tài sản chung, tự ý giết thịt hoặc bán trâu (bò) hùn nuôi chung với người khác...
Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, trong các trường hợp nêu trên, tài sản không còn là tài sản riêng mà là tài sản chung. Pháp luật bảo hộ quyền định đoạt, điều kiện định đoạt và hạn chế quyền định đoạt tài sản là nhằm bảo vệ quyền dân sự về tài sản cho cá nhân, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật... Do đó, pháp luật quy định, mọi hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác đều sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tùy từng tính chất, mức độ hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và người vi phạm phải bồi thường thiệt hại.
Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này chưa bị xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2017 cũng quy định phạt tù từ 2-20 năm tù đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây thiệt hại lớn từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng trở lên, có tổ chức, tái phạm nguy hiểm...
Đoàn Phú