Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao

03:12, 27/12/2019

Theo nhận định của cơ quan công an, tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp với thủ đoạn tinh vi và khó kiểm soát. Kẻ gian đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn… để lừa đảo.

Theo nhận định của cơ quan công an, tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp với thủ đoạn tinh vi và khó kiểm soát.

Một nạn nhân đến Công an TP.Biên Hòa trình báo về việc bị lừa qua điện thoại. Ảnh: T.Danh
Một nạn nhân đến Công an TP.Biên Hòa trình báo về việc bị lừa qua điện thoại. Ảnh: T.Danh

[links()]Kẻ gian đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn như: giả danh cán bộ ngành công an, viện kiểm sát, tòa án; các chiêu thức tặng quà, trúng thưởng… để lừa đảo. Rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của loại tội phạm này và bị mất đi số tiền lớn từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng.

* Dễ dàng “sập bẫy”

Thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh nhận định, tổng số tiền thiệt hại của các bị hại trong số các vụ lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại mà Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh thụ lý trong năm 2019 là hơn 19 tỷ đồng. Đây là một thiệt hại không hề nhỏ và số thiệt hại này sẽ còn tăng trên thực tế vì Phòng Cảnh sát hình sự chỉ thụ lý những vụ lừa đảo có tài sản thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên; còn lại dưới 500 triệu đồng thì thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp huyện thụ lý, giải quyết.

Một trong những chiêu thức lừa đảo của tội phạm công nghệ cao làm nhiều người “sập bẫy” ở Đồng Nai trong thời gian qua là gọi điện, nhắn tin qua điện thoại, mạng xã hội (chủ yếu là Zalo, Facebook) để lừa “trúng thưởng”.

Mặc dù nhiều người không tham gia bất kỳ chương trình vui chơi, giải trí nào nhưng khi có tin nhắn gửi đến “chúc mừng bạn đã trúng thưởng…” vẫn đinh ninh nghĩ rằng mình đang may mắn thực sự. Một chút lòng tham lúc ấy đã đẩy các nạn nhân này vào một “kịch bản” được lập sẵn của những kẻ lừa đảo. Cho đến lúc mất một khoản tiền lớn mà quà thì không thấy đâu, các nạn nhân mới hiểu ra vấn đề thì đã quá muộn

Cụ thể như trường hợp của ông P.N.T. (ngụ TP.Hồ Chí Minh) đã đến Công an TP.Biên Hòa trình báo bị lừa chiếm đoạt 259 triệu đồng. Ông T. kể, vào cuối tháng 8-2019, ông bất ngờ nhận được tin nhắn từ một số máy điện thoại lạ với nội dung: “Chúc mừng tài khoản ngân hàng của ông đã may mắn trúng giải nhì với giải thưởng gồm: 1 xe máy hiệu Honda  SH150i và số tiền mặt 200 triệu đồng”. Nội dung tin nhắn còn cung cấp đầy đủ mã số giải thưởng, địa chỉ trang web ngân hàng và cả số điện thoại của nhân viên để “khách hàng may mắn” tiện “liên hệ nhận giải”.

Thấy nhận được giải thưởng lớn, ông T. gọi điện ngay vào số của “nhân viên ngân hàng” để xác minh thì người này cung cấp đầy đủ tên, họ, địa chỉ (ở TP.Đà Nẵng) và khẳng định việc ông T. trúng thưởng là có thật. Đồng thời, vị “nhân viên ngân hàng” này cũng yêu cầu ông T. cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP để “lập hồ sơ nhận thưởng”. Tuy nhiên, sau khi cung cấp toàn bộ những thông tin theo yêu cầu khoảng 10 phút thì tài khoản ngân hàng của ông T. thông báo đã bị trừ số tiền 259 triệu đồng.

 Qua xác minh, ông T. biết được số tiền trên được chuyển đến tài khoản của một người có địa chỉ tại TP.Biên Hòa nên ông đã đến Công an TP.Biên Hòa trình báo sự việc.

Theo cơ quan công an, một chiêu thức lừa đảo qua mạng xã hội tinh vi khác là lập tài khoản giả nhắn tin lừa đảo. Lợi dụng thực tế nhiều người thường sử dụng mạng xã hội để kinh doanh, buôn bán hàng nên nhiều đối tượng cũng lập ra các tài khoản tương tự để lừa đảo.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đang thụ lý điều tra trường hợp của chị B.T.K.C. (ngụ tại TP.Hồ Chí Minh, tạm trú tại TP.Biên Hòa) bị kẻ gian chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng. Theo xác minh của cơ quan công an, đầu tháng 9-2019, chị C. nhận được tin nhắn từ tài khoản Zalo có tên “Thanh Xuân ship hàng cô Mơ” với nội dung: chuyển tiền đặt cọc vào số tài khoản 033… cho Đào Thị Thanh Tâm để đặt tiền mua hàng online.

Chứng từ các nạn nhân chuyển tiền theo yêu cầu của kẻ gian
Chứng từ các nạn nhân chuyển tiền theo yêu cầu của kẻ gian

Thấy tài khoản Zalo trên nhắn tin, chị C. nghĩ đó là tài khoản của chị Xuân (người thường giao hàng cho tài khoản Facebook mà chị hay đặt hàng) nên chị đã chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng trên. Đến hôm sau chị C. đến nhà chị Xuân để nhận hàng thì chị này cho biết chưa nhận được tiền hàng và không nhắn tin qua Zalo để gửi tài khoản cho chị C.

* Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, từ giữa năm 2018 đến nay, đơn vị này đã thụ lý giải quyết 20 vụ (trong đó có 9 vụ đã được khởi tố) lừa đảo qua mạng xã hội và điện thoại. Tổng số tiền thiệt hại của các bị hại trong số các vụ án này được xác định hơn 19 tỷ đồng. Trong số đó, người bị lừa ít nhất 500 triệu đồng, người bị lừa nhiều nhất hơn 3 tỷ đồng.

Qua xác minh, cơ quan công an xác định, hầu hết các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao đều nằm trong những đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài đã sử dụng mạng công nghệ để kết nối và lừa các nạn nhân trong nước. Sau khi chiếm được tiền, kẻ gian nhanh chóng chuyển khoản sang các ngân hàng quốc tế và rút tiền từ nước ngoài. Chính vì vậy, hầu hết các vụ người dân đến trình báo đều không thể lấy lại được tài sản.

Đồ họa về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến của tội phạm công nghệ cao hiện nay ở Đồng Nai. (Thông tin: Trần Danh - Đồ họa: ĐỖ QUYÊN)
Đồ họa về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến của tội phạm công nghệ cao hiện nay ở Đồng Nai. (Thông tin: Trần Danh - Đồ họa: ĐỖ QUYÊN)

Đại úy Điền Việt Đức, cán bộ điều tra Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, năm 2019, Công an thành phố cũng tiếp nhận khoảng 40 vụ lừa đảo qua mạng và điện thoại với số tiền các nạn nhân bị lừa hơn 2 tỷ đồng. Thông thường sau khi tiếp nhận tin báo từ nạn nhân các vụ lừa đảo công nghệ cao, lực lượng công an đã ngay lập tức liên hệ với ngân hàng nơi đăng ký tài khoản nhận tiền để yêu cầu phong tỏa tài khoản, nhằm ngăn chặn việc chuyển dịch tiền bị lừa. Tuy nhiên thường sau khi nạn nhân nộp tiền các đối tượng lừa đảo sử dụng dịch vụ chuyển tiền trên máy tính, máy điện thoại để nhanh chóng chuyển tiền sang số tài khoản ở nước ngoài nên rất khó xác minh.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh khuyến cáo: “Đối với chiêu thức giả danh cán bộ trong ngành tư pháp như: công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện “hù dọa” chiếm đoạt tài sản thì người dân cần phải nắm bắt được quy định của pháp luật để tránh “sập bẫy” kẻ gian”.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, pháp luật quy định khi một người dân có liên quan đến một vụ việc mang tính pháp lý nào đó thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải có giấy mời, giấy triệu tập (có đóng dấu mộc đỏ) đến trụ sở để làm việc. Hoàn toàn không có chuyện cơ quan công an, viện kiểm sát… mời, triệu tập hoặc trao đổi với đương sự qua điện thoại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để tránh sập bẫy tội phạm công nghệ cao, Thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh khuyến cáo người dân phải thực sự cảnh giác trước các thông tin từ người lạ gửi đến. Đặc biệt, người dân không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho người lạ khi chưa xác minh kỹ họ là ai, làm gì, ở đâu. Trong trường hợp phát hiện đối tượng có dấu hiệu lừa đảo phải kịp thời báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xác minh.

Trần Danh

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích