Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 36) về quản lý, sử dụng pháo của Chính phủ đã khắc phục được tình trạng vận chuyển, mua bán, sử dụng pháo tràn lan như trước đây, hạn chế các vụ việc vi phạm liên quan đến pháo nổ và giảm đáng kể tai nạn thương tích, tử vong do pháo. Qua đó góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 36/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 36) về quản lý, sử dụng pháo của Chính phủ đã khắc phục được tình trạng vận chuyển, mua bán, sử dụng pháo tràn lan như trước đây, hạn chế các vụ việc vi phạm liên quan đến pháo nổ và giảm đáng kể tai nạn thương tích, tử vong do pháo. Qua đó góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Các đối tượng mua bán pháo bị Công an TP.Biên Hòa bắt giữ. Ảnh: T.Danh |
Một số kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị định 36 của Đồng Nai đó là nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân về quản lý, sử dụng pháo; cơ bản kiểm soát được hoạt động sử dụng, đốt pháo tràn lan; phát hiện xử lý kịp thời nhiều vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo...
* Vào cuộc quyết liệt xử lý pháo lậu
Công tác triển khai Nghị định 36 được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc. Hằng năm, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động nắm tình hình, quản lý các hộ gia đình, doanh nghiệp có biểu hiện mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép. Trong đó, UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng hẳn một chuyên đề về quản lý pháo trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép.
Ngày 31-5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 36 về quản lý, sự dụng pháo trên địa bàn tỉnh. Hội nghị sẽ tập trung đánh giá những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, bắt giữ đối với các hành vi vi phạm về pháo. |
Theo thống kê của UBND tỉnh, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh lực lượng công an đã phát hiện, bắt xử lý 120 vụ/134 đối tượng vi phạm liên quan đến pháo. Trong đó, cơ quan công an đã khởi tố 10 vụ/14 đối tượng; xử phạt hành chính 110 vụ/120 đối tượng về các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép; tịch thu hơn 547kg pháo.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo bằng nhiều hình thức. Thông qua các cuộc họp tại cụm dân cư đã có hơn 5,2 ngàn buổi với gần 700 ngàn lượt người tham dự. Nhờ đó, đa số người dân đều đồng tình và chấp hành thực hiện các quy định nghiêm cấm sử dụng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép.
* Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo Công an tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay công tác quản lý và sử dụng pháo vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình trạng sử dụng, mua bán pháo vẫn còn diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là những dịp lễ, tết. Đặc biệt có nhiều vụ mua bán pháo với số lượng lớn vẫn xuất hiện.
Cụ thể như vào cuối năm 2018, Công an tỉnh và công an các địa phương đã liên tục phát hiện xử lý nhiều vụ mua bán vận chuyển pháo lậu trên địa bàn. Đầu tháng 12-2018, Công an TP.Biên Hòa đã mai phục, bắt quả tang Nguyễn Thanh Bình (26 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) đang vận chuyển gần 50kg pháo đến địa bàn phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) để tiêu thụ. Trước đó Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cũng đã phát hiện bắt giữ Bùi Huy Bình (ngụ phường Long Bình Tân) đang tàng trữ 15kg pháo nổ tại nhà riêng.
Chỉ trong tháng 12-2018, Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện, bắt gần 10 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo lậu. Qua điều tra, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án, bắt 3 đối tượng về hành vi mua bán pháo lậu. Riêng trong những tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã phát hiện xử lý 5 vụ/6 đối tượng mua bán, tàng trữ pháo trái phép, tịch thu 20kg pháo nổ các loại.
Trung tá Mai Đức Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an TP.Biên Hòa cho biết, việc ngăn chặn, xử lý các vụ mua bán pháo lậu còn gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn để giao dịch. Hầu hết các vụ mua bán pháo trên địa bàn đều thông qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Các đối tượng kết nối với một số người từ địa phương khác đến để tuồn pháo vào Đồng Nai để tiêu thụ.
Để ngăn chặn tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp cùng lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các điểm nghi vấn có tàng trữ pháo; đồng thời yêu cầu công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra vào những thời điểm thường xuyên xảy ra đốt pháo; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền để người dân nhận thức được hành vi vi phạm cũng như tác hại của việc đốt pháo, nhất là vào các dịp lễ, tết.
Trần Danh