Ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai được thành lập theo Quyết định 310/QĐ.UBT ngày 3-3-1982 của UBND tỉnh về việc chuyển Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh thành Sở Tư pháp.
Ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai được thành lập theo Quyết định 310/QĐ.UBT ngày 3-3-1982 của UBND tỉnh về việc chuyển Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh thành Sở Tư pháp.
Trải qua 36 năm hoạt động, nhiệm vụ của ngành Tư pháp tỉnh ngày càng được mở rộng, bao trùm hoạt động về quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: tòa án, thi hành án dân sự, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, quản lý luật sư, công chứng, đấu giá, thừa phát lại; theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính...
Ông Ngô Văn Toàn, Phó giám đốc Sở Tư pháp cho biết số lượng và chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị thuộc Sở Tư pháp ngày càng được nâng cao. Ngày đầu thành lập tổ chức bộ máy của sở chỉ có 7 cán bộ, đến nay là 99 biên chế với 100% có trình độ cử nhân trở lên (trong đó có 1 tiến sĩ luật học, 4 thạc sĩ luật và 4 thạc sĩ hành chính, kinh tế). Trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm gần 30%.
Đối với cơ quan cấp huyện, ban đầu chỉ thành lập 4 Phòng Tư pháp. Đến nay, 11 đơn vị cấp huyện đều có Phòng Tư pháp với 77 công chức. Trong đó, 100% công chức đạt trình độ đại học, trên đại học. Với cấp xã, năm 1990 chỉ có 158 Ban Tư pháp cấp xã, đến nay đã có 318 cán bộ làm việc trong tổng số 171 đơn vị cấp xã, trong đó có 295 công chức (chiếm 92,8%) đạt trình độ đại học; trình độ trung cấp lý luận chính trị 180 người (chiếm 56,6%).
Toàn tỉnh hiện có hơn 1 ngàn tổ chức hòa giải ở cơ sở với hơn 5,8 ngàn hòa giải viên hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ ở địa bàn dân cư, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến nhấn mạnh, toàn ngành Tư pháp tỉnh luôn quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền. Vấn đề Tư pháp là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải yêu nước, thương dân; phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn; phải nêu cao gương phụng công, thủ pháp, nêu cao lẽ công bằng, chí công vô tư… phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân là để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”.
Kết quả hoạt động của ngành Tư pháp Đồng Nai trong nhiều năm qua đã góp phần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để tổ chức triển khai, thực hiện quản lý nhà nước và phối hợp cùng các ngành, địa phương bảo vệ chính quyền cách mạng. Các mặt công tác Tư pháp đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, về bề rộng lẫn chiều sâu; ngày càng hướng mạnh về cơ sở, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ gìn kỷ cương pháp luật, an ninh trật tự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Diễm Quỳnh