Sau nhiều vụ người đi đường bị nước cuốn vào miệng cống, mương thoát nước, dẫn đến thiệt mạng, người dân tỏ bất an, bởi một số tuyến đường hiện vẫn còn nhiều miệng cống bị bật nắp, cống trần, không rào chắn…
Sau nhiều vụ người đi đường bị nước cuốn vào miệng cống, mương thoát nước dẫn đến thiệt mạng, người dân rất bất an khi tham gia giao thông bởi một số tuyến đường hiện nay vẫn còn nhiều miệng cống bị bật nắp, cống trần, không có rào chắn…
Tỉnh lộ 768, đoạn qua các xã: Tân Bình, Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đang xây dựng hệ thống thoát nước, nhưng việc rào chắn sơ sài, hiện trường nhếch nhác khiến người đi đường, người dân xung quanh bất an mỗi khi có mưa lớn. |
Những cống thoát nước, hố ga tưởng chừng vô hại, nhưng khi trời mưa từng dòng nước xoáy chảy xiết có thể cuốn bất cứ thứ gì vào bên trong sâu hun hút. Điều đáng nói, miệng cống không có lưới che, nắp cống bị đẩy bung lên hay mất nắp đang trở thành “cái bẫy” chết người.
Theo phản ánh của người dân, đơn vị thi công sau khi múc đất, đổ bê tông đã để đó mấy ngày mới tiến hành đậy nắp mương, vô cùng nguy hiểm. Trong ảnh: Công trình ngổn ngang, rào chắn nhiều đoạn không có. |
Các tuyến đường: Nguyễn Ái Quốc, Trần Quốc Toản, Đồng Khởi (đều thuộc TP.Biên Hòa), quốc lộ 51… là những nơi thường xuyên xảy ra ngập sâu khi mưa lớn, nhưng không phải chỗ thoát nước nào cũng có lưới che chắn cẩn thận. Có những vị trí, miệng cống nằm trơ trọi suốt một thời gian dài mà chẳng có đơn vị quản lý, công ty thi công nào khắc phục. Người dân chỉ biết cảnh báo và che đậy lại bằng những tấm tôn, gỗ, ny-lông tạm bợ để người lạ không quen đường qua đây khỏi bị té ngã.
Bề ngang mương thoát nước hơn 1m, sâu 80cm, người dân buộc phải bắc tạm tấm bê tông để đi qua. |
Nhiều người cho hay, ngày nắng họ thường dùng các tấm ván lớn để che miệng cống cho đỡ bốc mùi hôi; còn trời mưa vẫn phải để vậy, chẳng dám bỏ ra vì sợ nguy hiểm, nhưng lại khiến tình trạng ngập nước nặng hơn. Vấn đề này lặp lại từ trận mưa này đến đợt mưa khác mà không được giải quyết.
Một đoạn mương sau khi lắp xong để hở, không được rào chắn cẩn thận. |
Ngoài những miệng cống hở, mất nắp, không ít công trình thoát nước trong quá trình thi công không có rào chắn cũng trở nên nguy hiểm với người tham gia giao thông và các hộ dân sống xung quanh. Tình trạng này đã được cảnh báo nhiều, báo chí đã nhiều lần phản ánh, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Dù đơn vị thi công làm dở dang, ngổn ngang, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào giám sát, chấn chỉnh.
Trên tỉnh lộ 768, đoạn qua huyện Vĩnh Cửu, cống thoát nước thông với nhau không che chắn, tạo thành ao nước gây nguy hiểm nếu có mưa lớn. |
Miệng cống trên quốc lộ 51, đoạn qua phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) từ lâu không có lưới che. |
Một miệng cống thoát nước trên đường Trần Quốc Toản, đoạn qua phường An Bình (TP.Biên Hòa) lưới che bị mất nên người dân phải lấy tấm tôn đậy lại. Trên tuyến đường này có nhiều miệng cống xảy ra tình trạng tương tự. |
Đồng Nai đang vào giữa mùa mưa, các chuyên gia về thời tiết nhận định lượng mưa năm nay có thể cao hơn cùng kỳ năm trước. Mưa cũng xuất hiện vào chiều tối, thời điểm đông người lưu thông và tầm nhìn hạn chế; nếu những “cái bẫy” thoát nước không được khắc phục thì tai nạn chết người vẫn luôn thường trực.
Miệng cống thoát nước trên đường Đồng Khởi, đoạn gần vòng xoay Tân Phong (TP.Biên Hòa), không có nắp che. |
Dưới đây là những hình ảnh phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận tại một số tuyến đường có hệ thống thoát nước không an toàn; công trình thi công ẩu, coi thường tính mạng người dân.
Thanh Hải