Năm 2016, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục kéo giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), nhưng nhiều địa phương, nhiều tuyến đường lại để tăng số người chết do tai nạn.
Năm 2016, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục kéo giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), nhưng nhiều địa phương, nhiều tuyến đường lại để tăng số người chết do tai nạn. Làm thế nào để giảm TNGT một cách bền vững đó mới là điều quan trọng.
Hầm chui ngã tư Vũng Tàu đưa vào hoạt động từ tháng 10-2016 đã giải quyết được tình trạng kẹt xe tại đây. Trong ảnh: Các phương tiện từ hướng huyện Long Thành đi qua hầm chui ngã tư Vũng Tàu về TP.Hồ Chí Minh và khu vực lân cận. |
Vì vậy, Đồng Nai cần phải có những giải pháp mạnh và hợp lý mới hoàn thành mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và bị thương do TNGT hàng năm.
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, công tác bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức và khắc phục các điểm mất an toàn giao thông trong năm 2016 đã được các ngành, địa phương và lực lượng chức năng thực hiện tốt.
* Tai nạn giao thông vẫn phức tạp
Trong đó, việc lắp các dải phân cách tim đường trên tuyến quốc lộ 1, đoạn từ km 1806+500 đến km 1811, đã góp phần hạn chế những vụ tai nạn do phương tiện đối đầu nhau; đồng thời hoàn thành hệ thống chiếu sáng, biển báo, đèn tín hiệu giao thông tại nhiều tuyến đường quan trọng, như: quốc lộ 20 và 51, đường tỉnh 762 và 769…
Tại các nút giao thông, như: ngã tư Vũng Tàu, vòng xoay Võ Nguyên Giáp giao với đường Bùi Văn Hòa, quốc lộ 51…, nếu trước đây thường xuyên xảy ra ùn tắc và TNGT thì sau khi làm hầm chui và điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các vấn đề này cơ bản được giải quyết.
Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, Đồng Nai đã phối hợp với Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ các lối đi dân sinh, đồng thời duy trì tổ chức cảnh giới tại 4 lối đi dân sinh trên địa bàn TP.Biên Hòa. Từ đó, các ngành chức năng đã khảo sát, sửa chữa các tồn tại đối với những đường ngang hợp pháp và các lối đi dân sinh trên toàn tỉnh. Nhờ vậy, tình hình TNGT đường sắt trong năm 2016 được kéo giảm rõ rệt.
Các tuyến đường, như: cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51 và 20… về cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã đảm bảo yêu cầu vận chuyển và đi lại của người dân. Tuy nhiên, hiện còn khoảng 35km quốc lộ 1 chưa được mở rộng và lắp dải phân cách nên gây mất an toàn giao thông.
Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, hiện ven quốc lộ 1 có 12 khu công nghiệp với trên 265 ngàn công nhân, có 81 trường học với 48 ngàn học sinh, sinh viên. Trên 70% trong số này đi lại bằng xe 2 bánh nên tạo áp lực rất lớn về trật tự an toàn giao thông. Chưa kể, những năm vừa qua, lưu lượng hoạt động của xe cơ giới trên đoạn quốc lộ 1 qua Đồng Nai so với bình quân cả nước cao gấp nhiều lần. Đây cũng là tuyến đường có nhiều “điểm đen” gây TNGT.
Trong năm 2016, đoạn quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh xảy ra 65 vụ TNGT, làm chết 52 người và bị thương 42 người, chiếm gần một nửa so với 4 tuyến quốc lộ: 51, 20, 56 và 1K cộng lại. Vì vậy, nếu không sớm mở rộng để tiến tới tách riêng làn xe 2-3 bánh thì TNGT vẫn còn diễn ra phức tạp.
* Nhiều việc phải làm
Trong năm 2016, có 2 sự cố về cầu đường sông là sập cầu Ghềnh và cầu treo Tà Lài. Qua đó, việc cảnh báo an toàn giao thông đường thủy, phương tiện, người lái đang bộc lộ nhiều vấn đề. Nếu không sớm có giải pháp kịp thời thì nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy sẽ rất lớn. |
Năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 423 vụ TNGT, làm chết 329 người, bị thương 266 người; so với năm 2015, giảm 34 vụ, giảm 18 người và 39 người bị thương. Các địa phương, tuyến đường để tăng tai nạn và số người chết, gồm: Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, quốc lộ 56, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường thủy. Đây chính là lý do khiến mục tiêu giảm 10% số vụ TNGT trong năm 2016 không như mong muốn.
Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho rằng công tác kiểm soát, phòng ngừa TNGT và chống ùn tắc giao thông của lực lượng công an trong năm 2016 được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, việc xử lý các vị trí thường xuyên gây ùn tắc giao thông chưa được triệt để. Nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ với quy hoạch.
“Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tập trung lực lượng kiểm tra, xử lý tại các địa bàn, tuyến phức tạp để TNGT tăng; xử lý nghiêm hành vi vi phạm dễ dẫn đến tai nạn, như: vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, vượt ẩu... Đồng thời, lực lượng công an sẽ chủ động kế hoạch phòng, chống đua xe trái phép; phát hiện kịp thời nhằm xử lý nghiêm, không để bùng phát đua xe quy mô lớn hoặc tái diễn liên tục” - Đại tá Thuận nói.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong năm 2017, Đồng Nai sẽ phấn đấu giảm các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, giảm ùn tắc và hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông trên 30 phút. Trong đó, những địa phương, tuyến đường để tăng số người chết trong năm 2016 phải giảm tối thiểu 10%; những địa phương đã giảm TNGT tiếp tục giảm thêm ít nhất 5% số người chết do tai nạn.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn chưa quyết liệt và liên tục, dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều phức tạp, số vụ TNGT tăng giảm không ổn định, một số nơi đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
“Dù vấn đề an toàn giao thông đã đạt những kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa có sự bền vững. Một số vụ có tính chất nguy cơ rủi ro nên có thể gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng. Thời gian tới, ban an toàn giao thông các địa phương phải tổ chức đánh giá lại những mặt chưa được để triển khai ngay, tránh làm chậm, ảnh hưởng kết quả đảm bảo an toàn giao thông” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Thanh Hải