Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã hội hóa phổ biến pháp luật dưới góc nhìn của chuyên gia

10:11, 07/11/2016

Theo TS. luật sư Nguyễn Bình An, Trưởng ban Nghiên cứu, tham gia xây dựng pháp luật, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia tỉnh, xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý (PBGDPL & TGPL) là quá trình Nhà nước thực hiện đổi mới phương thức tổ chức công tác PBGDPL & TGPL và từng bước chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức phi Nhà nước.

Theo TS. luật sư Nguyễn Bình An, Trưởng ban Nghiên cứu, tham gia xây dựng pháp luật, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia tỉnh, xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý (PBGDPL & TGPL) là quá trình Nhà nước thực hiện đổi mới phương thức tổ chức công tác PBGDPL & TGPL và từng bước chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức phi Nhà nước.

Tuyên truyền về pháp luật thừa phát lại và lập vi bằng miễn phí cho dân tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) của đơn vị Thừa phát lại TP.Biên Hòa cũng là hoạt động xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Tuyên truyền về pháp luật thừa phát lại và lập vi bằng miễn phí cho dân tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) của đơn vị Thừa phát lại TP.Biên Hòa cũng là hoạt động xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.

Nhà nước có vai trò kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả PBGDPL & TGPL, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

* Vai trò của xã hội hóa

TS.luật sư Nguyễn Bình An cho rằng, quá trình xã hội hóa công tác PBGDPL & TGPL không có nghĩa là Nhà nước phó mặc cho cộng đồng và xã hội, trái lại càng xã hội hóa thì vai trò của Nhà nước ngày càng quan trọng; Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ chốt, định hướng cho các hoạt động xã hội của cộng đồng có hiệu quả. Xã hội hóa công tác PBGDPL & TGPL góp phần phân biệt rõ chức năng quản lý Nhà nước về PBGDPL & TGPL và quản lý công tác này.

TS. luật sư Nguyễn Bình An cho rằng để xã hội hóa công tác PBGDPL & TGPL, Nhà nước cần tạo điều kiện khuyến khích và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác này. Những chính sách của Nhà nước về công tác PBGDPL & TGPL đối với doanh nghiệp, cá nhân hiện vẫn chưa có cơ chế pháp lý cụ thể nào. Do đó, Nhà nước sớm hoàn thiện pháp luật và các biện pháp bảo đảm, bảo vệ xã hội hóa công tác PBGDPL & TGPL.

TS.Bình An nhấn mạnh, Nhà nước tăng cường quản lý bằng pháp luật, xây dựng cơ chế, tạo môi trường và các tiền đề pháp lý cho công tác PBGDPL & TGPL. Xã hội hóa công tác PBGDPL & TGPL góp phần phục vụ kịp thời các nhu cầu về PBGDPL & TGPL, tạo điều kiện để mọi người dân với địa vị xã hội, khả năng kinh tế khác nhau đều bình đẳng, tiếp cận PBGDPL & TGPL. Xã hội hóa công tác PBGDPL & TGPL là quá trình với những bước đi phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, năng lực quản lý của Nhà nước, khả năng của xã hội và nhu cầu của xã hội đối với PBGDPL & TGPL qua từng giai đoạn.

“Nguyên tắc của xã hội hóa công tác PBGDPL & TGPL”, Nhà nước cần đảm bảo những nguyên tắc cơ bản: xã hội hóa công tác PBGDPL & TGPL được pháp luật quy định và bảo đảm thực hiện” - TS.Bình An cho biết

Theo đó, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý cụ thể đối với công tác này; tăng cường trách nhiệm và vai trò nòng cốt của Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát xã hội hóa PBGDPL & TGPL; huy động và tạo điều kiện để các chủ thể phi Nhà nước (tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp, khu vực tư nhân…) tham gia thực hiện; nâng cao năng lực thực hiện xã hội hóa của các chủ thể phi Nhà nước; các phương thức xã hội hóa được áp dụng phải phù hợp với đặc thù của từng địa phương; thường xuyên đánh giá tác động, hiệu quả xã hội hóa công tác này.

* Bất cập từ thực tế

Đầu năm 2015, Hội Luật gia tỉnh đã phối hợp với một doanh nghiệp trong tỉnh với mong muốn doanh nghiệp tài trợ kinh phí triển khai công tác PBGDPL & TGPL theo chủ trương xã hội hóa nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách tỉnh.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ tài trợ toàn bộ các kinh phí, như: in ấn tài liệu, thuê mặt bằng, lập phương án truyền thông, tổ chức hội chợ văn hóa… để thu hút sự quan tâm của người dân đối với việc PBGDPL & TGPL. Tuy nhiên, hoạt động phối hợp này không thể thực hiện vì đơn vị cho thuê mặt bằng cho rằng đây là hoạt động thương mại và chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại. Do đó, Hội Luật gia tỉnh phải xin giấy phép tổ chức hội chợ do Sở Công thương cấp. Sở Công thương đồng tình với nhận định này nên đề nghị Hội Luật gia tỉnh phải đi theo các phiên chợ do Sở tổ chức hàng tháng tại một điểm nhất định.

TS.Bình An phân tích, Hội Luật gia tỉnh không thể đi theo các phiên chợ vì ngày tổ chức phiên chợ không phù hợp với thời gian PBDGPL & TGPL của các luật gia, luật sư. Hình thức của phiên chợ không phù hợp với mục đích PBGDPL & TGPL (bán hàng trái cây, áo quần, đồ gia dụng…), phiên chợ không có mặt bằng để luật gia, luật sư đặt bàn tư vấn.

Luật sư Phạm Tiến Dũng, Ủy viên Thường trực Hội Luật gia, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, chỉ rõ lý do quan trọng là không có hành lang pháp lý để Hội Luật gia tỉnh ký hợp đồng hoặc thỏa thuận phối hợp với doanh nghiệp tài trợ tổ chức thực hiện công tác PBGDPL & TGPL. Bởi doanh nghiệp tài trợ cũng mong muốn các chi phí bỏ ra được tính là khoản làm từ thiện hoặc xem là chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình kinh doanh, nhưng vì không có văn bản nào quy định việc này nên doanh nghiệp không thể chứng minh nguồn kinh phí tài trợ cho công tác PBGDPL & TGPL.

“Cũng vì không có văn bản hướng dẫn hai bên ký kết nên doanh nghiệp e ngại khả năng bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính (tổ chức hoạt động PBGDPL & TGPL không có giấy phép, không có sự đồng ý của cơ quan chức năng). Hội Luật gia tỉnh và doanh nghiệp tài trợ không biết phải gặp cơ quan chức năng nào đề nghị phê duyệt tổ chức thực hiện công tác này, có sự lồng ghép các hoạt động văn hóa, ngoại trừ xin giấy phép tổ chức hội chợ do Sở Công thương cấp” - luật sư Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đoàn Phú

 

Tin xem nhiều