Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi dụng tệ tham nhũng để chống phá Đảng

09:11, 07/11/2016

Thời gian qua, khi những người đứng đầu Đảng và Chính phủ Việt Nam thể hiện sự quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, ngay lập tức trên các diễn đàn, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của nhiều cá nhân tự xưng là đấu tranh cho dân chủ, cho rằng nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam là do độc đảng sinh ra.

Thời gian qua, khi những người đứng đầu Đảng và Chính phủ Việt Nam thể hiện sự quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, ngay lập tức trên các diễn đàn, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của nhiều cá nhân tự xưng là đấu tranh cho dân chủ, cho rằng nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam là do độc đảng sinh ra.

Chiều 30-8-2016, đoàn công tác số 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong ảnh: Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư phát biểu tại buổi làm việc.  Ảnh: Danh Trường
Chiều 30-8-2016, đoàn công tác số 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong ảnh: Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Danh Trường

Họ cho rằng Việt Nam không thể chống được tham nhũng, muốn chống tham nhũng phải lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam, phải đa đảng đối lập. Những ý kiến này cho rằng “tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ, không thể cải tạo, cần phải làm một cuộc cách mạng thay đổi nó về bản chất; tức là phải hủy bỏ cái chế độ sinh ra nó, chế độ độc tài đơn đảng…” Theo họ, bởi không có tam quyền phân lập, không có các đảng phái giám sát lẫn nhau nên tham nhũng ở Việt Nam là phổ biến(?).

* Ngụy biện khi nói tham nhũng do độc đảng sinh ra

Đúng là ở Việt Nam không có tam quyền phân lập mà chỉ có sự thống nhất phân công phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thế nhưng, không phải vì không có tam quyền phân lập mà không có các cơ chế giám sát. Ngoài các giám sát của nhân dân, của tổ chức Đảng, của HĐND thì các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam bên cạnh chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên còn có chức năng giám sát và phản biện xã hội. Chức năng này đã được Bộ Chính trị khóa XI quy định trong Quyết định 217-QĐ/TW ngày
12-12-2013 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tham nhũng là vấn nạn chung của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Từ những số liệu và dữ liệu có được, có thể nhận thấy bản chất nhiều đảng hay một đảng không hẳn là nguồn gốc “đẻ” ra tham nhũng.

Trong thực tế, đúng là có việc các tổ chức Đảng chưa hoặc không phát hiện tham nhũng, lãng phí, nhưng thời gian qua chính người dân, các cán bộ lão thành, đảng viên, cán bộ hưu trí là những người đã đấu tranh không khoan nhượng và phát hiện ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Không chỉ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; báo chí ở Việt Nam cũng là một kênh thông tin quan trọng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, và thời gian qua rất nhiều các vụ tham nhũng, lãng phí được báo chí phanh phui.

Chúng ta hoàn toàn không phủ nhận ở những nước có nền dân chủ lâu đời, có nền luật pháp minh bạch, công khai thì nạn tham nhũng được khống chế tốt hơn. Thế nhưng, nếu nói tham nhũng do độc đảng sinh ra là ngụy biện, bởi hiện nay rất ít các quốc gia chỉ có một đảng, đa phần các quốc gia khác đều đa đảng. Vậy tại sao xếp loại của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cho thấy nhiều quốc gia đa đảng ở châu Á, châu Phi vẫn bị xếp vào số các nước tham nhũng nhiều? Đầu năm 2016, Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố chỉ số nhận thức tham nhũng 2015 xếp hạng mức độ tham nhũng ở 168 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 112 trong danh sách này, tăng 7 bậc so với năm 2014. Như vậy, nếu theo xếp loại của Tổ chức Minh bạch quốc tế, sau Việt Nam còn 56 nước có mức độ tham nhũng cao hơn. Trên thế giới hiện nay chỉ còn chưa tới 10 nước có 1 đảng, đa phần các nước đều có nhiều đảng. 56 nước có mức độ tham nhũng nhiều hơn Việt Nam theo xếp loại của Tổ chức Minh bạch quốc tế hẳn nhiên đa phần là các quốc gia đa đảng. Nếu nói Việt Nam độc đảng sinh ra tham nhũng thì giải thích công bố trên đây ra sao?

 Singapore là một quốc gia đa đảng. Thế nhưng từ khi lập quốc đến nay, chỉ mình Đảng Nhân dân Hành động Singapore là đảng duy nhất cầm quyền. Thế nhưng, nói đến Singapore là nghĩ ngay tới một đất nước với thành tích nổi bật trong chống tham nhũng. Trung Quốc là một quốc gia nhiều đảng phái, thế nhưng những vụ án tham nhũng gần đây ở Trung Quốc được phanh phui quả là khủng khiếp. Lịch sử đã chứng minh rằng, từ xưa đến nay, lợi ích luôn gắn liền với hoạt động của con người, con người hành động là vì lợi ích. Karl Marx cho rằng: tất cả cái gì mà con người đấu tranh để giành lấy, đều dính với lợi ích của họ. V.I. Lê-nin nhấn mạnh: lợi ích là cái kích thích hành vi của con người. Lợi ích có cả lợi ích chân chính và có cả lợi ích bất chính. Những kẻ tham nhũng là những kẻ quên đi lợi ích chân chính mà chỉ chăm chăm vào lợi ích bất chính, miễn có lợi cho bản thân và phe nhóm.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã bắt tay quyết liệt thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng bằng việc đưa ra tòa nhiều cá nhân làm thất thoát lớn tài sản của quốc gia. Rất nhiều đại án về tham nhũng đã và sẽ được đưa ra xét xử. Số liệu của Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2015, ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 40,7 tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can; thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước trên 103 tỷ đồng và 2.887m2 đất. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ/806 bị can về các tội danh tham nhũng, truy tố 310 vụ/697 bị can; tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo về tội danh này. Riêng quý II-2016, có 4 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 2 người, xử lý hình sự 2 người; phát hiện 7 vụ, 8 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Cơ quan cảnh sát điều tra đã thụ lý điều tra 148 vụ, 354 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng...

* Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Gần đây, những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định và quyết tâm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Cần tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; tài liệu, chứng cứ chắc đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra xử lý tiếp nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn: “Kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai...”. Tại buổi tiếp xúc cử tri TP.Hải Phòng ngày 3-8-2016, Thủ tướng một lần nữa khẳng định và cam kết quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh “không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Đảng và Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ phủ nhận tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, ngược lại còn xem đây là quốc nạn cần phải tiêu diệt, loại trừ. Tất cả những người Việt Nam có trách nhiệm, trong đó có những đảng viên chân chính đều đau buồn trước hiện trạng tham nhũng nhức nhối đang diễn ra trên đất nước. Những kẻ tham nhũng chính là “sâu dân, mọt nước” đã bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý, chỉ chăm chăm vào lợi ích của cá nhân mà bất chấp lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Sở dĩ tham nhũng ở Việt Nam vẫn vô cùng nhức nhối bởi do Việt Nam chưa có một cơ chế kiểm soát quyền lực. Vì vậy, nhiều người có chức, có quyền lợi dụng quyền lực được trao cho để tham nhũng cho mình và cho “nhóm lợi ích”. Có lẽ vì vậy mà một trong những giải pháp quyết liệt trong phòng chống tham nhũng tới đây đã được Tổng Bí thư khẳng định là “nhốt quyền lực trong cái lồng luật pháp”.

Viết Phước

 

Tin xem nhiều