Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa dạng các hình thức phổ biến pháp luật

10:11, 07/11/2016

"Trong các hình thức phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay, tùy theo đối tượng cần tuyên truyền mà các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả, thế mạnh của nó" - bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, cho biết.

“Trong các hình thức phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay, tùy theo đối tượng cần tuyên truyền mà các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả, thế mạnh của nó” - bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, cho biết.

Ông Trần Văn Cư, nhân viên Đài Truyền thanh xã Bảo Quang (TX.Long khánh) sử dụng xe máy đi tuyên truyền bầu cử.
Ông Trần Văn Cư, nhân viên Đài Truyền thanh xã Bảo Quang (TX.Long khánh) sử dụng xe máy đi tuyên truyền bầu cử.

* Tuyên truyền miệng

Theo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, trong các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thì hình thức tuyên truyền miệng được tỉnh (huyện, xã) quan tâm triển khai thực hiện thường xuyên. Hình thức này đang chiếm ưu thế và được chú trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh, hình thức tuyên truyền miệng được thực hiện thông qua hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải cơ sở… tại các hội nghị, buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề tại các cuộc hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, buổi hòa giải… Qua đánh giá của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, hiện tại hình thức tuyên truyền miệng đã thực hiện theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với đối tượng, đảm bảo tính định hướng chính trị đúng đắn.

Tuy nhiên, ngoài thế mạnh cần phát huy, hình thức tuyên truyền miệng cũng cần chú ý đến việc đổi mới nội dung, cách thức nhằm thu hút hơn nữa đối tượng được tuyên truyền; đồng thời đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cần được kiện toàn, tăng cường hướng dẫn thực hiện pháp luật cho người khác.

* Đa dạng hình thức

Ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, cho biết trong giai đoạn 2013-2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đảm bảo cho công tác này ngày càng đa dạng, phong phú. Hiện có nhiều hình thức để triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, như: tuyên truyền miệng, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, tủ sách pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở…

Với hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị đã ký kết và phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai. Các đài truyền thanh cấp huyện, xã thời gian qua rất chú trọng tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật liên quan đến đời sống nhân dân. “Các phương tiện truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua các tin, bài, chuyên mục rất dễ hiểu, nội dung ngắn gọn, bám sát thực tiễn và luôn gắn với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân” - ông Viên Hồng Tiến nhận xét.

Theo các ngành, đơn vị, địa phương…, mỗi hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có những thế mạnh và nhược điểm riêng, nên mỗi đơn vị, địa phương căn cứ vào thế mạnh của mình để xác định hình thức tuyên truyền phù hợp nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Vì vậy, dù Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật không quy định cấp xã phải có Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, nhưng nhiều địa phương thấy mô hình này hay vẫn củng cố, duy trì; hay như tủ sách pháp luật dù không còn được các ngành lựa chọn, nhưng với Ban Dân tộc tỉnh thì nó vẫn phát huy được sức mạnh của việc đưa pháp luật đến cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Diễm Quỳnh

 

Tin xem nhiều