Thời gian gần đây, khi có nhiều người sử dụng internet (qua: facebook, zalo, email…) trao đổi thông tin thì có không ít người dùng trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo tinh vi. Vì tin tưởng bạn "ảo" trên internet, nhiều người đã bị "sập bẫy" kẻ lừa đảo hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Thời gian gần đây, khi có nhiều người sử dụng internet (qua: facebook, zalo, email…) trao đổi thông tin thì có không ít người dùng trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo tinh vi. Vì tin tưởng bạn “ảo” trên internet, nhiều người đã bị “sập bẫy” kẻ lừa đảo hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Đối tượng Ojuku Martins lúc mới bị cơ quan công an bắt giữ. |
* Sập bẫy qua mạng “ảo”
Theo Trung tá Võ Thanh Hải, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh, hiện nay có rất nhiều đối tượng sử dụng internet thực hiện các hành vi lừa đảo. Nở rộ trong thời gian qua là hình thức giả danh công an, nhân viên bưu điện, hải quan… để tạo niềm tin, đe dọa bị hại, buộc họ chuyển tiền qua tài khoản cho chúng chiếm đoạt.
Hay như phương thức sử dụng facebook để thực hiện dịch vụ tặng quà, kẻ gian sử dụng mạng ở nước ngoài tìm cách tiếp cận, làm quen người Việt Nam sử dụng internet trong một thời gian dài để tạo niềm tin. Được một thời gian, khi đã chiếm được lòng tin của “con mồi”, kẻ gian nói có một số vốn làm ăn, cần người quản lý khoản đầu tư vào Việt Nam giúp sinh lời. Để hợp tác lâu dài, “người ở nước ngoài” này sẽ gửi tặng người bạn ở Việt Nam một món quà trị giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Để tạo niềm tin, “người bạn nước ngoài” còn chụp ảnh món quà rồi gửi ảnh qua facebook cho bạn Việt Nam tin tưởng và nhận diện khi nhận quà.
Vài ngày sau đó, lại có “nhân viên bưu điện” hoặc “nhân viên hải quan” gọi điện cho người được nhận quà đến bưu điện hoặc khu vực cửa khẩu nhận quà, kèm theo đó là khoản phí nhận quà khoảng 20-30 triệu đồng. Vì tin tưởng món quà “người bạn nước ngoài” gửi tặng giá trị cao gấp nhiều lần số tiền chi làm thủ tục, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản cho kẻ gian mà không hề nghi ngờ. Cứ thế, những người được nhận quà nhiều lần chuyển tiền cho kẻ gian mà không biết mình đã bị lừa.
Một chiêu trò lừa đảo khác khá phổ biến hiện nay là kẻ gian tìm cách xâm nhập vào địa chỉ email để nắm thông tin giao dịch hợp đồng giữa các công ty với nhau. Khi giao dịch trao đổi về vấn đề nhận tiền, kẻ gian sẽ tạo ra một email gần giống với email đối tác, rồi gửi một thông báo cho bên chuyển tiền hợp đồng về việc thay đổi tài khoản chuyển tiền. Vì không xác minh lại thông tin và không thấy được những thay đổi trong email giả mạo này, một số công ty đã chuyển tiền theo yêu cầu thay đổi tài khoản nhận tiền để rồi khi bị lừa đảo mới nhận ra tiền hợp đồng mất trắng.
* Cảnh giác với bọn lừa đảo
Với các thủ đoạn tinh vi và việc sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản như đã nêu trên, Trung tá Hải cho biết thêm, đối với thủ đoạn lừa đảo “nhận quà qua facebook” được xác định là do các đối tượng dùng địa chỉ ở nước ngoài cấu kết với người trong nước để giả danh nhân viên bưu điện, hải quan… lừa tiền của bị hại. Khi “con mồi” đã cắn câu, kẻ gian sẽ đưa ra tình huống khác để dụ người gửi tiền tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản cho họ để lấy được món quà này.
Sau khi nhận được trình báo của các bị hại, PC46 Công an tỉnh đã cử trinh sát tiến hành truy bắt các đối tượng giả danh. Qua truy xét, vào tháng 6-2016, PC46 đã bắt giữ và khởi tố 2 đối tượng Ojuku Martins (36 tuổi, người Nigeria) và Cao Nguyệt Ánh (34 tuổi, quê xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) khi cả hai đang nhận 225 triệu đồng của một bị hại.
Theo lời khai ban đầu của 2 đối tượng, cả hai đã giả danh các nhân viên cơ quan Nhà nước rồi tạo niềm tin với bị hại chỉ để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và họ đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo ở các địa bàn khác nhau. Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra và truy bắt các đối tượng khác.
Để tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”, Trung tá Hải khuyến cáo người dân khi được cho quà không nên vội vui mừng mà phải kiểm tra thật kỹ, đồng thời báo cho cơ quan chức năng khi có dấu hiệu bị buộc phải chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà. Thực tế, có nhiều người bị lừa tiền do thấy xấu hổ mà không chịu trình báo công an, khiến cho việc xác minh kẻ gian và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt của cơ quan công an gặp nhiều khó khăn.
Đối với những trường hợp nhận được email phản hồi yêu cầu thay đổi tài khoản để chuyển tiền, mọi người cần sáng suốt kiểm tra kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ của địa chỉ email và gọi điện trực tiếp xác minh lại thông tin với bên đối tác. Điều này sẽ tránh những rủi ro không đáng có cho nhiều người và nhiều doanh nghiệp.
Tố Tâm