Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện người đàn bà mất con

11:10, 31/10/2016

Trong khi người chồng - bị cáo Nguyễn Minh Tâm (33 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đứng trước vành móng ngựa tỏ ra hối hận vì đã giết con của mình thì người vợ - mẹ của bị hại lại không nói về nỗi đau mất con, mà chỉ cố sức giúp chồng được nhẹ tội.

Trong khi người chồng - bị cáo Nguyễn Minh Tâm (33 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đứng trước vành móng ngựa tỏ ra hối hận vì đã giết con của mình thì người vợ - mẹ của bị hại lại không nói về nỗi đau mất con, mà chỉ cố sức giúp chồng được nhẹ tội.

Bị cáo Nguyễn Minh Tâm tại tòa.
Bị cáo Nguyễn Minh Tâm tại tòa.

Cha giết con

Bị cáo Nguyễn Minh Tâm và chị N.T.C. sống với nhau như vợ chồng từ năm 2008 (không đăng ký kết hôn) và có với nhau 4 con chung. Trong thời gian chung sống, bị cáo Tâm thể hiện bản tính lăng nhăng của mình khi dẫn bạn gái về nhà sống một cách công khai. Khi Tâm thường xuyên trăng hoa với bạn gái thì chị C. lại trở thành nạn nhân của nạn bạo hành gia đình.

Đến ngày 7-9-2015, vì không thể chịu đựng những trận đòn roi và cảnh chồng âu yếm tình nhân trước mặt mình, chị C. và con út ra ngoài thuê phòng trọ ở, để lại cháu N.M.T., 5 tuổi (2 cháu lớn ở ngoài quê cùng ông bà) cho Tâm chăm sóc.

Ngày 15-9, khi Tâm dọn cơm ra ăn thì cháu T. khóc đòi mẹ. Trong lúc tức giận, Tâm đã đạp cháu T. té xuống đất và tử vong sau đó. Vì sợ mọi người biết chuyện giết con, bị cáo đã chôn xác con ngay cạnh nhà.

Những tưởng sự việc sẽ chìm lắng, chuyện trong nhà không ai biết nên hàng ngày Tâm vẫn sinh hoạt, ăn nhậu như chưa có gì xảy ra. Cho đến một ngày, người hàng xóm phát hiện cháu T. mất tích nhiều ngày nên gạn hỏi thì Tâm nói đã gửi con ở nhà người quen giữ giùm. “Trong lời nói của Tâm, tôi cảm giác có sự gian dối nên đã tự tìm hiểu xem trong nhà Tâm có gì bất thường hay không. Rồi tôi thấy nhà Tâm tự nhiên có thêm cái bàn thờ, tôi hỏi thì Tâm nói là bàn thờ ông bà” - một nhân chứng kể lại.

Quan sát “bàn thờ ông bà” mới lập trong nhà Tâm, người hàng xóm thấy có mấy lốc sữa nên nghi ngờ đó là bàn thờ trẻ con. Cho đến ngày trở về nhà, chị C. tra hỏi Tâm mới biết cháu T. đã tử vong và sự thật được phơi bày.

Đứng giữa đôi dòng…

Trong khi bị cáo Tâm rơi những giọt nước mắt muộn màng bởi sự nóng giận nhất thời khiến con trẻ vô tội phải chết oan thì chị C. phải nén đau thương để thanh minh cho tội lỗi của chồng: “Tại tôi bỏ đi nên chồng tôi mới xử sự như vậy. Tôi là người có lỗi chứ chồng tôi không có lỗi. Chỉ vì tức giận nên anh ấy vô tình làm chết con chứ không có ý giết con”.

Chỉ vì lo cho chồng, hay vì áp lực buộc phải cứu giúp chồng mà chị C. thậm chí có những lời lẽ bất chấp luật pháp khi cho rằng chồng mình chưa làm điều gì gây ảnh hưởng cho xã hội, chưa đánh đập ai, không trộm cướp và không gây mất mát gì cho xã hội thì tại sao lại bị bắt. Chồng chị chỉ đánh con thôi, đó là chuyện trong nhà chị, không gây mất trật tự gì ở địa phương...

Với tư cách vợ của bị cáo, lời nói của một người vợ muốn chồng được giảm nhẹ tội là điều người phụ nữ cần làm. Tuy nhiên, với tư cách người mẹ của bị hại, nhất là trường hợp bị hại là trẻ con, việc chị C. đôi co với Hội đồng xét xử để cho rằng chồng không phạm tội giết người, không hại người trong xã hội là điều khó có thể khiến người khác chấp nhận.

Điều đó được thể hiện ngay tại phiên tòa khi những người hàng xóm, nhân chứng vụ án nghe chị lớn tiếng đòi công bằng cho chồng đã tỏ ra rất bức xúc. Họ cho rằng, hành vi giết chết con rồi lén lút chôn xác để che giấu tội lỗi là sự độc ác. “Nếu là chú ấy, tôi sẽ không xin giảm án. Tôi biết rõ hoàn cảnh gia đình bị cáo từ lúc mới đến ở cho đến khi vụ án xảy ra và thấy khó có thể chấp nhận hành động đó được. Chú ấy có về địa phương sinh sống thì sống sao được với vết nhơ tội lỗi như thế” - nhân chứng nói về bị cáo Tâm trong sự bức xúc.

Riêng Hội đồng xét xử vẫn giữ quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát và tuyên bị cáo Tâm 16 năm tù về tội giết người. “Là một người cha mà bị cáo hành hung con trẻ mới 5 tuổi bằng một cú đá như trời giáng là điều rất nguy hiểm và dẫn đến chết người là không tránh khỏi. Bị cáo đã gây mất an ninh trật tự địa bàn và gây hoang mang cho xã hội. Ai cũng có quyền được bảo vệ, con nhỏ của bị cáo cũng có quyền được bảo vệ nên không thể nói chuyện trong nhà bị cáo đóng cửa bảo nhau là xong, mà pháp luật phải trừng trị những kẻ coi thường tính mạng người khác để làm gương…” - vị chủ tọa phiên tòa nói.

Phiên tòa kết thúc, người mẹ, người vợ ấy cố gắng thể hiện thái độ phản đối bản án 16 năm tù của chồng, trong khi bản thân chị, với tư cách người mẹ mất con, phải hứng chịu sự phẫn nộ của những người dự phiên tòa.

Tố Tâm

Tin xem nhiều