Báo Đồng Nai điện tử
En

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự

11:05, 23/05/2016

Một trong những điểm nổi bật của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Một trong những điểm nổi bật của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 là việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Điểm mới này đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội và tăng cường hội nhập quốc tế.

* Pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn các bộ luật, luật mới năm 2015 do ngành tòa án tổ chức mới đây, TS.Trần Văn Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại là điểm mới ấn tượng nhất của BLHS năm 2015. Đây là bước tiến bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới.

Lô hàng nhập lậu bị cơ quan chức năng thu giữ.
Lô hàng nhập lậu bị cơ quan chức năng thu giữ.

TS.Dũng giải thích, pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Nó bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và quy định khác của luật có liên quan.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử án kinh tế chức vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho biết trước mắt BLHS năm 2015 xác định phạm vi và các tội danh pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự chỉ thuộc các nhóm tội phạm về kinh tế và môi trường. Điều 76 BLHS năm 2015 quy định 31 tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó có 22 tội thuộc chương 18 là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 9 tội thuộc chương 19 là các tội phạm về môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại cần có đủ 4 điều kiện: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. “Để chứng minh một pháp nhân phạm tội nhất định phải hội tụ đủ 4 điều kiện đó, nếu thiếu một trong các điều kiện thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại” - ông Vinh nhấn mạnh.

* Phạt tiền là hình phạt chính

Quy định cụ thể hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy định tại Điều 33 và Điều 46 của BLHS bao gồm 3 hình phạt chính, gồm: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 3 hình phạt bổ sung, gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. 4 biện pháp tư pháp, gồm: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra. “Tuy nhiên, đối với hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn pháp nhân thương mại phải hết sức cân nhắc vì sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, mà trước mắt sẽ khiến người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp” - TS.Dũng nhấn mạnh.


Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”.

Ông Nguyễn Phước Vinh giải thích thêm, đối với pháp nhân phạm nhiều tội thì tòa án quy định hình phạt từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy tắc: Nếu hình phạt tuyên cùng hình thức phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung. Nếu hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn đã tuyên thì không tổng hợp. “Hình phạt tiền không được tổng hợp với các loại hình phạt khác và khi pháp nhân phạm tội trong nhiều lĩnh vực thì buộc pháp nhân đó phải chấp hành tất cả các loại hình phạt đã bị tuyên” - ông Vinh cho biết.

Tuy nhiên, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Điều này có nghĩa là trong quá trình áp dụng giải quyết vụ án hình sự về tội có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì trước hết cần làm rõ tình tiết, hành vi phạm tội của cá nhân hoặc pháp nhân. Trường hợp pháp nhân ra quyết định hoặc chỉ đạo cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì phải xử lý hình sự đồng thời cả cá nhân và pháp nhân về tội mà họ đã thực hiện.

“Trường hợp phát hiện tội phạm xảy ra nhưng mới xác định được trách nhiệm của pháp nhân thì khởi tố vụ án, khởi tố pháp nhân phạm tội. Sau đó, tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý hình sự cá nhân liên quan, người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Điều này nhằm đảm bảo cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và pháp nhân được toàn diện, triệt để tránh bỏ lọt tội phạm của cá nhân và pháp nhân” - ông Vinh nói.

Tố Tâm

 

 

Tin xem nhiều