Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm của ai? (Bài cuối)

11:03, 25/03/2015

Lợi dụng tâm lý muốn "đẩy" sớm heo bệnh, heo chết ra khỏi chuồng trại của người chăn nuôi, các "đầu nậu" thu gom số heo này về "phù phép" thành thịt ngon rồi đem đi tiêu thụ. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý các vụ việc vi phạm?

Lợi dụng tâm lý muốn “đẩy” sớm heo bệnh, heo chết ra khỏi chuồng trại của người chăn nuôi, các “đầu nậu” thu gom số heo này về “phù phép” thành thịt ngon rồi đem đi tiêu thụ. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý các vụ việc vi phạm?

* “Đầu nậu” trục lợi

Theo một số hộ chăn nuôi heo ở các xã: Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất), các trại heo có heo bị bệnh, heo chết là chuyện bình thường. Mỗi trại heo có hàng trăm con và với hàng ngàn hộ chăn nuôi thì mỗi ngày ít nhất cũng có đến hàng chục con heo chết do bệnh, do cắn nhau hoặc do thay đổi thời tiết. Mỗi lần phát hiện heo chết hay heo bệnh, các hộ chăn nuôi đều nghĩ ngay đến việc làm sao để đưa số heo này rời khỏi chuồng trại càng sớm càng tốt để khỏi ảnh hưởng số heo còn lại. Lợi dụng điều đó, một số người đã thu gom và “phù phép” thịt heo bệnh, heo chết thành thịt heo ngon để bán.

Trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Văn Long (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: N.HUỆ
Trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Văn Long (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: N.HUỆ

Một số hộ chăn nuôi heo cho biết khi phát hiện heo có dấu hiệu bị bệnh hay heo chết… họ thường gọi các “thương lái” đến mua về làm thức ăn cho trăn, cá sấu...

Trong năm 2014, Đội Quản lý thị trường số 11 (huyện Thống Nhất) đã phát hiện 9 vụ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tịch thu tiêu hủy 2,7 tấn thịt heo “bẩn” và 7kg nội tạng heo không rõ nguồn gốc; xử phạt số tiền gần 70 triệu đồng. 3 tháng đầu năm 2015, đội đã phát hiện và xử lý 2 vụ, 596kg thịt heo không rõ nguồn gốc, xử phạt 28 triệu đồng.

Bà Hồng, một người chăn nuôi heo tại xã Gia Tân 1, quả quyết: “Khi phát hiện heo có dấu hiệu ngã bệnh hoặc cắn nhau chết, tôi thường gọi các mối lái đến bán cho họ làm thức ăn cho các trại cá sấu, nuôi trăn”. Nhưng khi được hỏi cơ sở nào để biết heo chết, heo bệnh sau khi bán được dùng làm thức ăn cho trăn, cá sấu thì bà Hồng lại lắc đầu.

Còn ông Trần Văn Long, một hộ nuôi heo tại xã Quang Trung, cho biết gia đình ông chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên heo hiếm khi bị bệnh. Nếu có heo bệnh, heo chết thì ông gọi cho các lò mổ, nhưng họ thu mua với giá rất thấp. Đáng nói, sau khi thu gom heo bệnh, heo chết về, những người này vẫn có cách “phù phép” để bán với giá cao và thu lợi nhuận lớn.

* Cơ quan chức năng đã thực sự mạnh tay?

Việc để các “đầu nậu” tuồn các loại heo chết, heo bệnh ra thị trường, nhiều người cho rằng đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, như: thú y, quản lý thị trường…

Đặt vấn đề này với ông Vũ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Gia Kiệm, chúng tôi được cho biết, sau khi có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc cấm các hộ kinh doanh giết mổ heo tự phát, xã đã ráo riết kiểm tra, xử lý. Theo đó, xã đã thành lập tổ kiểm tra do phó chủ tịch xã làm tổ trưởng, cùng với đại diện các ngành chức năng liên tục kiểm tra tại các ấp. Trong quá trình thực hiện, đoàn kiểm tra thường xuyên gặp phải sự chống đối của các chủ lò mổ. Các chủ lò mổ cũng “canh me”, nếu vắng đoàn kiểm tra thì họ mổ heo, đóng vào thùng xốp và nhanh chóng đưa đi tiêu thụ. “Để đối phó với thủ đoạn này, chỉ có giải pháp là thường xuyên kiểm tra” - ông Toàn cho biết.

Nhận trách nhiệm trong việc để một số lò mổ mua heo chết, heo bệnh về xử lý rồi bán ra thị trường, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Quang Trung, cho biết: “Thời gian qua xã đã thường xuyên kiểm tra các lò mổ trên địa bàn, đồng thời mời các chủ lò mổ viết cam kết không tái diễn tình trạng giết mổ heo lậu, nếu không sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật”. Để xảy ra tình trạng các lò giết mổ heo lậu hoạt động trong thời gian qua, ông Nam thừa nhận: “Chúng tôi nhận trách nhiệm quản lý thiếu chặt chẽ đối với hoạt động giết mổ. Khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã đề nghị cán bộ phụ trách lĩnh vực kiểm điểm và nhận rõ thiếu sót trong quá trình quản lý, kiểm soát trên địa bàn”.

Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thống Nhất Dương Thanh Tiến cho biết nhiệm vụ chính của lực lượng thú y là thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau khi phát hiện tình trạng giết mổ heo lậu, trạm đã phối hợp với các cơ quan, như: quản lý thị trường, công an và chính quyền địa phương kiểm tra, bắt giữ và lập biên bản xử phạt hành chính, tịch thu tiêu hủy số động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Tiến, vai trò của địa phương là rất quan trọng vì gần gũi với dân và nắm bắt sát vấn đề thực tế. Các trường hợp vi phạm sau khi xử lý (buộc ngưng hoạt động, viết cam kết không tái phạm…) đều giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Là đơn vị trực tiếp bắt giữ và tiến hành xử phạt các lò mổ lậu, đại diện Đội Quản lý thị trường số 11 (huyện Thống Nhất) cho biết: “Với hoạt động tinh vi, nhiều lò mổ heo chết, heo bệnh rất khó bị phát hiện. Vì lợi nhuận cao nên các chủ lò mổ vẫn bất chấp pháp luật, cố tình làm trái quy định Nhà nước. Sau khi nhận được nguồn tin, đội thường phối hợp với các cơ quan chức năng, như: trạm thú y, chính quyền địa phương… tiến hành kiểm tra đột xuất để bắt quả tang. Khi cơ quan thú y xác định heo bệnh, heo chết, heo không rõ nguồn gốc… thì sẽ tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính, tịch thu tang vật tiêu hủy”. Đại diện Đội Quản lý thị trường số 11 khẳng định không có sự bao che, dung túng cho các lò mổ hoạt động trái pháp luật như một số người dân phản ánh.

Ông Dương Thanh Tiến, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thống Nhất, cho biết để giải quyết tình trạng giết mổ tràn lan, huyện Thống Nhất đã quy hoạch 3 điểm giết mổ tập trung tại các xã: Gia Tân 2, Bàu Hàm, Lộ 25 và đang hoàn thiện cơ sở giết mổ gia cầm tại xã Gia Tân 3. Với việc đem vào khu quy hoạch giết mổ tập trung, công tác kiểm soát, quản lý các cơ sở này sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, lực lượng thú y cũng thường xuyên kiểm tra hệ thống bán lẻ thực phẩm tại các chợ để phát hiện, ngăn chặn tình trạng giết mổ heo lậu trên địa bàn huyện.

Trần Danh - Tố Tâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều