Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao kéo giảm tai nạn giao thông?

09:06, 02/06/2013

Tại hội nghị trực tuyến an toàn giao thông (ATGT) toàn quốc ngày 29-5, đã có nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương, bộ, ngành về việc kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).

Tại hội nghị trực tuyến an toàn giao thông (ATGT) toàn quốc ngày 29-5, đã có nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương, bộ, ngành về việc kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).

Đoạn cuối Quốc lộ 1 giáp Đồng Nai với Bình Thuận rất cần tăng cường tuần tra kiểm soát để phòng ngừa tai nạn. (ảnh chụp lúc 10 giờ 31  ngày 16-5-2013). Ảnh: T.TOÀN
Đoạn cuối Quốc lộ 1 giáp Đồng Nai với Bình Thuận rất cần tăng cường tuần tra kiểm soát để phòng ngừa tai nạn. (ảnh chụp lúc 10 giờ 31 ngày 16-5-2013). Ảnh: T.TOÀN

Dù Đồng Nai đã đạt kết quả kéo giảm TNGT về cả số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng những giải pháp đề xuất của các địa phương khác, cùng với kinh nghiệm vốn có có thể giúp tỉnh duy trì kết quả bền vững hơn.

* Những con số đau thương

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Đinh La Thăng bày tỏ sự quan ngại, dù Ủy ban ATGT quốc gia đã đặt ra mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương trong “Năm ATGT 2013”, nhưng kết quả trong 5 tháng đầu năm 2013, TNGT toàn quốc chỉ giảm về số vụ và số người bị thương, trong khi số người chết lại tăng 28 người (0,68%). Nếu tính riêng đường bộ, số người chết tăng đến 102 người (cả nước xảy ra trên 12 ngàn vụ TNGT, làm chết 4.163 người, riêng đường bộ chết 4.072 người), bị thương trên 12 ngàn người. Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “5 tháng đầu năm 2013, cả nước đã kéo giảm TNGT về số vụ và số người bị thương, nhưng số người chết lại tăng. Nguyên nhân là do số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tăng cao so với cùng kỳ năm 2012”.

Tại Đồng Nai, 5 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 165 vụ TNGT, làm chết 107 người, bị thương 161 người. So với cùng kỳ năm 2012, TNGT giảm 332 vụ (gần 70%), giảm 121 người chết (53%), giảm 448 người bị thương (trên 73%).

Phân tích các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, nguyên nhân chủ quan gây TNGT chủ yếu là do ý thức và sức khỏe của người lái xe không đảm bảo theo quy định, dẫn đến các vi phạm, như: chạy quá tốc độ quy định, đi sai phần đường, tránh vượt sai. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan là các cơ quan chức năng địa phương chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về các điều kiện kinh doanh vận tải khi cấp phép, cũng như trong quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

* Giải pháp kéo giảm tai nạn

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Quý Ngọ nhận định, thời gian qua, TNGT ở đường giao thông nông thôn tăng cao, nên ông chỉ đạo ngành công an cần tăng cường xử lý vi phạm giao thông và phòng ngừa tai nạn trên các tuyến đường nông thôn. Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ cũng đề xuất, cần tăng mức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với các tài xế vi phạm nghiêm trọng (hiện mức cao nhất chỉ tước giấy phép lái xe 2 năm).

Là địa phương từng xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 12 người (tháng 3-2013) do tài xế xe khách chạy quá tốc độ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Sở Giao thông - vận tải các địa phương không cấp phù hiệu hoạt động cho doanh nghiệp xe khách có nhiều tài xế vi phạm tốc độ; tài xế nào nhiều lần vi phạm tốc độ sẽ không được tiếp tục lái xe khách. Riêng tỉnh Khánh Hòa đã tăng gấp đôi lực lượng tuần tra kiểm soát (TTKS), tập trung xử lý vi phạm tốc độ để phòng ngừa TNGT thảm khốc nói riêng và TNGT nói chung.

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực của Đồng Nai trong việc kéo giảm TNGT. Từ một tỉnh bị Thủ tướng phê bình vì TNGT gia tăng trong năm 2012, Đồng Nai đã quyết liệt kéo giảm TNGT trong 5 tháng qua, là một trong 2 tỉnh kéo giảm trên 50% số người chết vì TNGT (tỉnh còn lại là Bắc Kạn).

Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp xây dựng thêm nhiều cầu vượt bằng thép để giải quyết nạn ùn tắc giao thông; đầu tư thêm trang thiết bị cho lực lượng TTKS, tập trung xử lý vi phạm và phòng ngừa tai nạn ở các đoạn, tuyến đường xảy ra nhiều vụ TNGT chết người. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh sẽ tập trung xử lý các xe ô tô công vi phạm giao thông…

Đối với Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, nhận định thời gian qua các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã cùng nhau quyết liệt thực hiện mọi biện pháp nhằm kéo giảm TNGT; các “điểm đen” giao thông, các nơi nguy hiểm đều được đặt biển cảnh báo để người đi đường cẩn thận đề phòng. Đồng Nai cũng vận động cán bộ, công chức đi đầu trong việc thực hiện bảo đảm ATGT, chấp hành pháp luật giao thông. Bên cạnh đó, các lực lượng TTKS ở Đồng Nai đã tăng cường hoạt động, xử lý quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng ngừa TNGT. Lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông phối hợp thực hiện nhiệm vụ tốt. Các địa phương đã tổ chức cho các thành viên trong Ban ATGT các cấp ký kết bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bằng chỉ tiêu, hoạt động cụ thể. Ngành giao thông đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe… Đây là những kinh nghiệm, giải pháp  để Đồng Nai tiếp tục kéo giảm hơn nữa TNGT trong thời gian tới.

Thanh Toàn

           

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều