Báo Đồng Nai điện tử
En

10 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013

11:12, 31/12/2012

Từ ngày hôm nay 1-1-2013, 10 luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Quảng cáo; Luật Giá; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Biển Việt Nam.

Từ ngày hôm nay 1-1-2013, 10 luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Quảng cáo; Luật Giá; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Biển Việt Nam.

Cán bộ, cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho dân.                                                                                                     Ảnh: Đ. PHÚ
Cán bộ, cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho dân. Ảnh: Đ. PHÚ

Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Luật gồm 6 chương, 33 điều, tăng hai chương và 14 điều so với Luật Công đoàn hiện hành. Luật thiết lập một số điều khoản mới chủ yếu liên quan đến việc quy định rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, những bảo đảm cho Công đoàn hoạt động và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật công đoàn.

  Luật Giáo dục đại học có 12 chương, 73 điều, quy định 4 vấn đề mới cơ bản, gồm: phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo. Trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của luật.

Với 5 chương, 50 điều, Luật Phòng, chống rửa tiền được ban hành là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Luật Bảo hiểm tiền gửi có 7 chương, 39 điều được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Với 5 chương, 43 điều, Luật Quảng cáo quy định Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo. Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo được quy định trong luật bao gồm: thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình vú, vú ngậm nhân tạo; thuốc kê đơn, thuốc được cơ quan Nhà nước khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục, kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao.

Luật Giá gồm 5 chương, 48 điều, quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan Nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng.

   So với Luật Tài nguyên nước hiện hành, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung 39 điều mới hoàn toàn về nội dung và sửa đổi, bổ sung 40 điều. Luật quy định rõ tài nguyên nước không chỉ có nước mà còn bao gồm cả sông, suối, hồ chứa... để tránh bỏ sót đối tượng quản lý; bổ sung quy định một số dự án liên quan đến khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đề cao trách nhiệm, minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện dự án.

Luật Giám định tư pháp được thiết kế 8 chương với 46 điều quy định đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền tự yêu cầu giám định tư pháp sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

     Với 5 chương, 41 điều, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; chính sách của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật và xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật chung cho công dân và cho một số đối tượng đặc thù. Luật lấy ngày 9-11 hàng năm là Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật Biển Việt Nam có 7 chương, 55 điều, quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam là giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Phúc Hằng

 

 

 

Tin xem nhiều