Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 trong hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 được Bộ Tư pháp công bố ngày 3-4 so với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có rất nhiều quy định mới nên được dư luận đặc biệt quan tâm.
![]() |
Tuyên truyền pháp luật về hình sự cho người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) luôn được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Đồng Nai chú trọng. Trong ảnh: Đoàn Luật sư tỉnh tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường trung học cơ sở Tân Thành (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành). Ảnh tư liệu |
Cụ thể các quy định mới như: nhiều tội danh được đề nghị miễn hình phạt tử hình; thời gian phạt tù có thời hạn lên đến 30 năm hoặc chung thân không được xét giảm án; đồng thời bổ sung rất nhiều tội danh mà người chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự…
Nhiều quy định mới
Luật gia Chu Văn Hiển, Phó ban Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và xây dựng pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), cho biết Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 có 8 tội danh không còn chịu mức hình phạt tử hình gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); tội gián điệp (Điều 110); tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 421); tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội nhận hối lộ (Điều 354).
Khoản 1, Điều 39a Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 quy định, tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. |
Một điểm mới khác của Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 là khi phân loại tội phạm đã quy định, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15-30 năm tù, tù chung thân, chung thân không xét giảm án hoặc tử hình (điểm d khoản 1, Điều 9). Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chỉ quy định, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chỉ chịu mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 cũng có bổ sung một số điều mới và thay đổi tên gọi một số điều được Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định. Chẳng hạn, Điều 25 (Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và mô hình kinh doanh mới); Điều 45a (Cấm nhập cảnh); Điều 45b (Giám sát điện tử); Điều 179 (Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước); Điều 235 (Tội xả chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường ); Điều 235a (Tội xả trái phép chất thải thông thường ra môi trường); Điều 256a (Tội sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 356 (Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ); Điều 357 (Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ)…
Quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chuẩn bị phạm tội
Tại khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều: 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của bộ luật này.
Trao đổi về quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, luật sư Lê Đình Hưng (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 có bổ sung thêm 2 tội danh gồm: tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253) và tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (254) người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Tại khoản 1, Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định, chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109; điểm a, khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a, khoản 2, Điều 299 của bộ luật này. Theo đó, người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều: 108, 109,110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự (theo khoản 2, Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Luật sư Lê Đình Hưng cho biết thêm, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 đã bổ sung thêm 27 tội danh vào nhóm tội danh được quy định tại khoản 2, Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều: 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147, 150, 151, 157, 170, 171, 193, 194, 208, 248, 251, 304, 305, 306, 309, 311, 341, 348, 349, 359 và 361 thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, tại khoản 1, Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025 đã quy định lại cụ thể như sau: Người nào biết rõ tội phạm quy định tại khoản 2, Điều 14 của bộ luật này đang được chuẩn bị, tội phạm đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390, của bộ luật này.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin