Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn Đồng Nai vẫn còn diễn biến phức tạp; số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn có xu hướng gia tăng.
Công an xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn, quyết tâm giữ vững danh hiệu Xã không có tệ nạn ma túy. Ảnh: T.Tâm |
Trước thực trạng đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; giải quyết triệt để nguồn cầu, giảm áp lực nguồn cung về ma túy, tiến tới loại bỏ ma túy ra khỏi đời sống xã hội, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Hủy hoại cuộc đời vì ma túy
Ma túy đã và đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội, hủy hoại sức khỏe con người và dẫn đến phạm tội, gây mất an ninh trật tự (ANTT) xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ đang nhận thức sai lệch, mơ hồ về ma túy dẫn đến những hệ lụy rất đáng tiếc.
Là một người nghiện ma túy hơn 10 năm và từng đi cai nghiện bắt buộc 3 lần nhưng anh T.Đ.C. (36 tuổi, ngụ huyện Định Quán, học viên Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) vẫn không thể thoát khỏi sự “bủa vây” của ma túy.
Anh C. Kể lại, sau khi bỏ học sớm, anh thường xuyên tụ tập cùng bạn bè và tổ chức nhậu nhẹt. Trong một lần được bạn bè rủ rê, anh đã sử dụng ma túy. Để rồi, sau lần đầu sử dụng, anh liên tiếp dùng ma túy lần 2, lần 3 và trở thành người nghiện. Cũng từ đó, cuộc đời của anh trượt dài, không có nghề nghiệp ổn định và liên tiếp bị bắt vì sử dụng ma túy. Ngoài ra, cũng vì để có tiền dùng ma túy, anh C. đã lao vào con đường phạm tội mua bán ma túy và từng lãnh án 3 năm tù.
Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 3,5 ngàn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, đã tổ chức cai nghiện cho gần 1,4 ngàn người nghiện ma túy. |
Tương tự, chị N.T.N. (28 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) là con một trong gia đình khá giả và từng được cha mẹ xây dựng cho một cuộc sống, tương lai tươi đẹp. Thế nhưng, thay vì chọn nỗ lực thực hiện giấc mơ của mình, chị N. lại vướng vào ma túy, tự hủy hoại tương lai của chính mình.
Chị N. kể, từ nhỏ đến lớn, chỉ cần chị muốn gì, cha mẹ chị đều đáp ứng. Chính vì sống trong nhung lụa nên chị hình thành nên thói quen hưởng thụ, ăn chơi và lười lao động. Lớn lên, chị N. cũng chơi với hội bạn có điều kiện kinh tế, sành điệu. Trong một lần đi quán bar, chị đã dùng ma túy. Để rồi, lần sử dụng ma túy đó đã khiến chị trượt dài trên con đường nghiện ngập và bị đưa vào Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh.
Không chỉ khiến bản thân trở thành người nghiện mà vì ma túy, nhiều người đã phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Chỉ tính trong năm 2024, vì ma túy, đã có 4 bị cáo bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt mức án tử hình, 12 bị cáo phải lãnh bản án chung thân.
Trong đó, các bị cáo Ngô Mạnh Hoàng (30 tuổi, ngụ phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa), Trần Duy Thắng (28 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) và Trương Thị Yến Nhi (24 tuổi, ngụ xã An Phước) vốn là những người nghiện ma túy. Để có đủ tiền sử dụng ma túy, các bị cáo đã cùng nhau buôn bán với tổng khối lượng 8kg ma túy. Để rồi, vào tháng 3-2024, bị cáo Hoàng đã phải lãnh bản án tử hình, Thắng lãnh án chung thân và Nhi lãnh 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.
UBND tỉnh đề nghị các địa phương huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy với nhiều hình thức đa dạng.
Chặn nguồn cung, kéo giảm nguồn cầu
Theo đánh giá của UBND tỉnh, số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng đang ở mức cao. Điều này cho thấy nguồn cầu tiêu thụ ma túy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nguồn lực lao động, gây thiệt hại lớn về kinh tế và là nguồn cơn của các loại tội phạm (trộm cắp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích…). Ngoài ra, nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tâm thần, “ngáo đá”, mất kiểm soát hành vi, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây mất ANTT tại địa phương.
Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, thương binh và xã hội) Đặng Xuân Hòa cho hay, trước tình trạng đó, sở đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kéo giảm người nghiện ma túy như: tổ chức cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh; cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, tại các cơ sở điều trị nghiện. Đồng thời, quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện như: tổ chức quản lý sau cai, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tổ chức dạy nghề cho người đang cai nghiện và sau cai.
Tương tự, để ngăn chặn ma túy xâm nhập địa bàn, chính quyền xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) đã quyết liệt xây dựng nhiều kế hoạch, thực hiện nhiều mặt công tác.
Theo Trưởng Công an xã Nam Cát Tiên, đại úy Võ Phương Bình, từ tháng 7-2023, Công an xã đã thường xuyên phối hợp với Công an huyện, Công an tỉnh cùng các tổ chức, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy; ra mắt mô hình Zalo ANTT; phòng, chống ma túy tại các ấp nhằm mục đích huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Nhờ đó, vào tháng 11-2024, UBND tỉnh đã công nhận Nam Cát Tiên là xã không có tệ nạn ma túy.
Nhằm chặt đứt nguồn cung, kéo giảm nguồn cầu ma túy, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu lực lượng công an tiếp tục tổng rà soát, phát hiện, thống kê, lập danh sách đảm bảo đầy đủ thông tin, chính xác, trung thực về tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn; xác định những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc tác động đến công tác phòng, chống ma túy để có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh giải quyết điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh với các đối tượng hoạt động phạm tội tàng trữ, mua bán, tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn; triệt xóa, vô hiệu hóa toàn bộ các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy…
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Lao động, thương binh và xã hội đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma túy; xây dựng các mô hình tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, giới thiệu nguồn vốn vay cho gia đình có người sau cai nghiện ma túy lập nghiệp, hòa nhập cộng đồng; giới thiệu, định hướng cho người nghiện ma túy đang tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế và sau cai nghiện ma túy được tiếp cận, tham gia các mô hình làm kinh tế, sản xuất, kinh doanh tại các địa phương, ổn định cuộc sống nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện, tái phạm tội.
Tố Tâm
Học viên cai nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh được tham gia lao động trị liệu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin