Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông

Đăng Tùng
08:17, 06/01/2025

Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tại Đồng Nai trong năm 2024 được kéo giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng cũng như sự chuyển biến tích cực nhận thức về an toàn giao thông (ATGT) của mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) điều tiết giao thông tại ngã tư Vũng Tàu (thành phố Biên Hòa). Ảnh: L.Duy
Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) điều tiết giao thông tại ngã tư Vũng Tàu (thành phố Biên Hòa). Ảnh: L.Duy

Trong năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 680 vụ TNGT, làm chết 500 người, bị thương 311 người. So với năm 2023, TNGT giảm 16 vụ, giảm 71 người chết, giảm 15 người bị thương.

7/11 địa phương giảm số người chết do tai nạn giao thông

Theo UBND tỉnh, một trong những điểm sáng của công tác đảm bảo ATGT xuyên suốt năm 2024 là có 7/11 địa phương giảm số người chết do TNGT. Trong đó, 2 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Biên Hòa giảm 14,4%, thành phố Long Khánh giảm 8,7%.

Phó chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Ban ATGT tỉnh Dương Anh Tuấn nhận định, kết quả trên có được là do UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Sở GTVT và các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đề xuất các biện pháp xử lý và chấn chỉnh các “điểm đen” TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT và các bất cập trong hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là trên các quốc lộ, đường tỉnh… Việc này đã góp phần giúp hạn chế TNGT xảy ra, bảo đảm việc lưu thông của người dân được an toàn và thuận lợi hơn.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng duy trì bảo đảm trật tự ATGT theo đúng kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt là quá trình xử lý vi phạm được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ đã mang lại hiệu quả cao, các trường hợp vi phạm về ATGT được phát hiện kịp thời đã giúp giảm thiểu TNGT xảy ra.

Trong năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 4,3 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT; phạt gần 7,9 ngàn tỷ đồng. So với năm 2023, số trường hợp vi phạm bị xử lý tăng gần 27%, tiền phạt tăng gần 20%. Nhất là các nhóm chuyên đề như: vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; sử dụng giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện…

Cụ thể, trong năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý hơn 217 ngàn trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, so với năm 2023, tăng gần 60 ngàn. Qua đó xử phạt số tiền hơn 374,2 tỷ đồng, so với năm 2023 tăng hơn 76,7 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đảm bảo trật tự ATGT vẫn còn không ít khó khăn. Theo UBND tỉnh, phần lớn các vụ TNGT xảy ra trên đường bộ với 674 vụ, làm chết 494 người, bị thương 309 người. Cụ thể, TNGT xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ, với 233 vụ (chiếm 34,83%), làm chết 187 người (chiếm 37,85%), bị thương 92 người (chiếm 29,77%). Không chỉ vậy, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng xảy ra 19 vụ, làm chết 7 người, bị thương 8 người…

Nguyên nhân xảy ra TNGT được ghi nhận chủ yếu là các hành vi như: thiếu chú ý quan sát (chiếm 18,2%); tự lật, té (chiếm 16,2%); chuyển hướng sai quy định, tránh vượt sai quy định (chiếm 13,4%); đi sai làn đường, phần đường (chiếm 12,8%); không bảo đảm khoảng cách an toàn (chiếm 3,4%)…

Đáng nói, trong năm 2024, toàn tỉnh vẫn xảy ra một số vụ TNGT rất nghiêm trọng khiến dư luận chú ý. Trong đó có vụ TNGT đường sắt vào tối 28-7 tại thành phố Biên Hòa giữa xe bán tải và tàu hỏa làm 2 người chết tại chỗ.

Theo UBND tỉnh, việc dẫn đến TNGT có thể nói phần lớn vẫn do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, chưa chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, vào thời gian ban đêm, tầm nhìn của người tham gia giao thông hạn chế, khả năng điều khiển phương tiện sau một ngày làm việc cũng giảm sút; hệ thống hạ tầng giao thông như hiện nay, đặc biệt vào thời gian ban đêm chưa phát huy công dụng cũng như đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm khả năng quan sát cho người tham gia giao thông.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng nhưng việc khắc phục sửa chữa chưa bảo đảm êm thuận và chỉ mang tính chất dặm vá do đó khi làm xong thì tiếp tục bong tróc, hư hỏng và gây mất ATGT và khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Tài xế Nguyễn Văn Bảo (ngụ phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) cho hay: “Thời gian qua, tình trạng ùn tắc, ùn ứ giao thông vào thời gian cao điểm, dịp cuối tuần vẫn còn diễn ra, nhất là trên quốc lộ. Một số vị trí thường ùn tắc giao thông như: ngã ba Phát Triển, ngã ba đường chuyên dùng vào cụm mỏ đá Tân Cang, ngã ba sân golf Long Thành (đều tại thành phố Biên Hòa)… Việc này là do mật độ phương tiện tăng cao, trong khi đó hạ tầng giao thông các tuyến đường bộ vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng phù hợp thực tế”.

Mục tiêu giảm 5% số người chết

Mặc dù đã kéo giảm số vụ TNGT và số người chết, nhưng thực tế, nguy cơ mất ATGT trên toàn tỉnh vẫn còn cao. Chính vì vậy, năm 2025, Đồng Nai đã đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm 3 tiêu chí TNGT, trong đó giảm ít nhất 5% số người chết so với năm 2024; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; giảm TNGT do nguyên nhân đã uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông.

Theo Ban ATGT tỉnh, để thực hiện được mục tiêu trên, Ban ATGT tỉnh cùng các cơ quan chức năng đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm tập trung vào việc khắc phục bất cập về hạ tầng giao thông, tăng cường kiểm soát trật tự ATGT, nhất là bám sát chủ đề năm ATGT 2025 là “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết, riêng trong năm 2025, các cơ quan là Ủy viên Ban ATGT tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024 và Luật Đường bộ năm 2024. Mà nhất là tập trung tuyên truyền các nguyên nhân dẫn đến TNGT như: lưu thông không đúng phần đường, làn đường; vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng; không đảm bảo khoảng cách; thiếu chú ý quan sát; vi phạm nồng độ cồn... Độ tuổi tập trung tuyên truyền từ 18-54 tuổi, là các các đối tượng chính tham gia giao thông.

Đồng thời, các cơ quan quản lý hạ tầng sẽ tiếp tục rà soát, có đánh giá kết quả thực hiện xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, bất cập về hạ tầng giao thông năm 2024. Trên cơ sở đó sẽ kịp thời đưa ra các giải pháp thực hiện bảo đảm ATGT và giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt là kiến nghị khắc phục, sửa chữa hư hỏng mặt đường, khôi phục các vạch sơn đã mòn, mờ mất tác dụng trên các tuyến quốc lộ.

Về vấn đề này, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm bố trí kinh phí thực hiện đầy đủ công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để xử lý các hư hỏng mặt đường, tình trạng hằn lún vệt bánh xe, vạch sơn mòn mờ mất tác dụng... Qua đó nhằm hạn chế TNGT, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người và phương tiện trong quá trình lưu thông trên quốc lộ 51. Đồng thời, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục lắp đặt dải phân cách giữa tuyến quốc lộ 1; đồng thời với việc mở rộng mặt đường với chiều dài 34km qua huyện Xuân Lộc nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế TNGT đối đầu.

Đồng thời, theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATGT. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, điều tiết giao thông nếu phát hiện các bất cập về hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông không phù hợp thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ đề xuất, kiến nghị các cơ quan quản lý tuyến đường bộ sớm xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình giao thông thực tế, bảo đảm an toàn cho người dân trong quá trình lưu thông.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều