Xác định vai trò rất quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp (DN) nên các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Đồng Nai, đã và đang quan tâm triển khai thực hiện công tác hỗ trợ tư pháp nhằm giúp hoạt động của DN ngày càng hiệu quả, hạn chế rủi ro về pháp lý.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Thường phát biểu ý kiến tại Hội thảo Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đồng Nai, ngày 24-12. Ảnh: A.Nhơn |
Thời gian qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai thực hiện công tác HTPL cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa đóng trên địa bàn tỉnh, kết quả mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Chú trọng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Theo Sở Tư pháp, Đồng Nai đã quy hoạch 48 khu công nghiệp với hơn 20 ngàn hécta và có công nghiệp phát triển mạnh trong khu vực Đông Nam Bộ cũng như cả nước. Từ đó, nhu cầu của DN trong việc tiếp cận các quy định của pháp luật và chính sách liên quan đến người lao động là rất lớn.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các chính sách linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương, tạo mọi điều kiện nhằm xây dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng để DN phát triển. Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là công tác HTPL cho DN được thực hiện trong các lĩnh vực: cải cách thủ tục hành chính, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai…
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn thông qua nhiều hình thức, phương tiện tiếp cận đã góp phần cải thiện và nâng cao nhận thức về pháp luật lao động. Các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp lý của DN nhỏ và vừa với nhiều hình thức, đặc biệt là thường xuyên tổ chức các chương trình gặp mặt, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với DN, hợp tác xã, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, từ cấp tỉnh đến các địa phương đều đồng hành với DN để lắng nghe, tiếp thu ý kiến và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý. Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ban, ngành thường xuyên thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn DN lựa chọn, sử dụng dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; giới thiệu danh sách các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư trên địa bàn tỉnh để các DN lựa chọn, sử dụng dịch vụ tư vấn, HTPL khi cần thiết.
Để góp phần cùng các cấp, ngành trong chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023, Đoàn Luật sư Đồng Nai đã phối hợp với Ban Quản lý chương trình HTPL liên ngành cho DN vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025 (Bộ Tư pháp) tổ chức các hội nghị áp dụng pháp luật lao động cho DN trên địa bàn tỉnh và một số mô hình HTPL hiệu quả cho DN vừa và nhỏ, thu hút hàng trăm cán bộ pháp chế tại các DN vừa và nhỏ, chuyên gia pháp lý trên nhiều lĩnh vực tham dự để trao đổi thực tiễn.
Theo Đoàn Luật sư tỉnh, Đồng Nai có gần 500 luật sư đang hoạt động nghề nghiệp tại 147 tổ chức hành nghề. Đây là nguồn lực, kênh uy tín cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh tìm đến khi có nhu cầu. Việc HTPL cho DN vừa và nhỏ nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác HTPL cho DN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Một số DN, cơ sở công nghiệp nông thôn còn chưa mặn mà với các chính sách hỗ trợ của địa phương, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật chưa cao. Nhiều DN chưa chủ động trong việc đề nghị HTPL và còn tâm lý e ngại khi tham gia các chương trình HTPL. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của các DN còn hạn chế trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng pháp luật. Hoạt động HTPL cho DN tại một số cơ quan, địa phương trong tỉnh còn mang tính hình thức, trùng lặp…
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư - pháp chế DN (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), chia sẻ các chuyên đề thiết thực tại hội thảo về công tác HTPL cho DN sẽ giúp DN nhận thức đúng vị trí, vai trò của pháp luật đối với sự phát triển kinh doanh bền vững và hạn chế những rủi ro về mặt pháp lý.
Tăng cường giải pháp hiệu quả
Tại Hội thảo Công tác HTPL cho DN do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai ngày 24-12, Phó cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa đánh giá cao các chủ đề chia sẻ tại hội thảo, lựa chọn những nội dung quan trọng, có liên quan đến DN như: công tác HTPL; công tác xử lý vi phạm hành chính trên môi trường mạng; phát huy vai trò của DN trong vấn đề lấy ý kiến phản biện chính sách.
Bộ Tư pháp đánh giá cao các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức đã nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình (theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP Ngày 24-6-2019 của Chính phủ về HTPL cho DN nhỏ và vừa) trong vấn đề đồng hành với các DN, đưa pháp luật đến với các DN bằng nhiều nội dung, hình thức để DN tiếp cận pháp luật một cách thuận tiện nhất.
Thời gian tới, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực HTPL cho DN, Bộ Tư pháp sẽ quan tâm hoàn thiện thể chế nói chung, cũng như hoàn thiện thể chế về công tác HTPL cho DN nói riêng, nhất là việc sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 55. Bộ sẽ tham mưu sửa đổi Nghị định 55 theo hướng phù hợp, đặc biệt là cần có quy định mạnh hơn trong quy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan về thực hiện HTPL cho DN kịp thời, hiệu quả.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin