Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán nhà, có được giữ lại nơi đăng ký thường trú?

Đoàn Phú
08:36, 02/12/2024

Do có một nơi ở duy nhất nên chủ sở hữu nhà ở cũng có điều lo lắng khi chuyển nhượng (bán) nhà hoặc nhà bị giải tỏa, di dời. Bởi vì nơi ở đó gắn liền với hộ khẩu thường trú của các thành viên trong gia đình và nghĩa tình với cộng đồng, họ hàng. Nhiều người muốn biết khi bán nhà, có giữ lại hộ khẩu thường trú tại địa chỉ nhà cũ được hay không?

Luật sư Lý Khánh Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn cho người dân các quy định pháp luật về cư trú ở Điểm Tư vấn pháp luật miễn phí tại Báo Đồng Nai. Ảnh minh họa: Đ.Phú
Luật sư Lý Khánh Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn cho người dân các quy định pháp luật về cư trú ở Điểm Tư vấn pháp luật miễn phí tại Báo Đồng Nai. Ảnh minh họa: Đ.Phú

Mong muốn giữ lại nơi đăng ký thường trú

Với người sở hữu nhiều nhà ở, hoặc có điều kiện kinh tế sau khi bán nhà nơi ở cũ, dễ dàng tạo lập nơi ở mới gắn với thay đổi địa chỉ đăng ký thường trú mới. Riêng với người chỉ có một căn nhà duy nhất, nhưng buộc phải bán đi vì nhiều nguyên nhân, dẫn đến phải chuyển sang ở trọ, ở nhờ nhà người khác, pháp luật có cho phép họ giữ lại nơi đăng ký thường trú tại căn nhà đã bán hay không?

Chẳng hạn, như trường hợp của ông Nguyễn Thành (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa), sau khi bán căn nhà là nơi ở duy nhất của 5 thành viên trong gia đình tại phường Trung Dũng, người mua liên tục điện thoại nhắc ông phải nhanh chóng làm thủ tục chuyển “hộ khẩu thường trú” tại ngôi nhà đã bán cho họ về nơi khác. Tuy nhiên, ông và các thành viên trong gia đình muốn giữ nơi đăng ký thường trú tại căn nhà đã bán, với mục đích khi nào mua được nhà riêng khác thì mới thay đổi nơi đăng ký thường trú. “Vậy gia đình tôi cần phải làm sao để giữ lại hộ khẩu thường trú nơi căn nhà cũ đã bán” - ông Nguyễn Thành thắc mắc.

Còn bà Bùi Thị Liên (ngụ xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) cho biết, sau khi bán rẫy cùng với nhà ở tại địa phương, bà về thành phố Biên Hòa ở với con. Được khoảng 9 tháng thì bà cảm thấy nhớ quê, nhớ vùng đất cha mẹ đã khai phá nên muốn quay lại xã Bàu Hàm mua nhà sinh sống cho hết tuổi già. Bà Liên muốn biết, vậy hộ khẩu thường trú nơi ở cũ của bà có bị cắt, xóa không. Nếu chưa bị cắt, xóa thì bà phải làm sao để giữ lại hoặc chuyển về nơi mua nhà, đất mới?

Thỏa thuận cùng chủ nhà hoặc chuyển đăng ký về nơi ở mới

Vấn đề thắc mắc của ông Nguyễn Thành và bà Bùi Thị Liên được luật gia Nguyễn Thanh Tấn (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, căn cứ theo Điều 24 Luật Cư trú năm 2020 thì ông, bà có thể giữ lại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa chỉ nhà, đất đã bán bằng việc thỏa thuận với người đã mua, nhận chuyển nhượng và phải được họ đồng ý cho đăng ký thường trú tại chỗ ở cũ thì vẫn được giữ lại hộ khẩu thường trú tại nhà, đất đã bán.

“Nếu người mua không đồng ý thì ông, bà phải chuyển hộ khẩu thường trú sang nơi ở hợp pháp mới như nơi: thuê, mượn, sống cùng con… Đồng thời, sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu căn nhà cũ, ông, bà vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới thì sẽ bị xóa hộ khẩu thường trú tại nơi ở cũ” - luật gia Nguyễn Thanh Tấn lưu ý.

“Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và chỗ ở đó phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người” - luật sư LÝ KHÁNH HÒA (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết.

Để thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký thường trú khi có một trong các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi ở hợp pháp, ngày 26-11-2024, Chính phủ ban hành Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú năm 2020 (gọi tắt Nghị định 154, có hiệu lực từ
10-1-2025, thay thế cho Nghị định 62/2021/NĐ-CP ngày 29-6-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú năm 2020).

Theo đó, tại khoản 1, Điều 5 Nghị định 154 quy định, một trong các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú như: giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ theo quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở. Giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Giấy tờ mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá, thanh lý nhà ở gắn liền với đất ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, người dân chỉ cần có một trong các loại giấy tờ sau như: hợp đồng mua bán nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở hoặc đã nhận nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở; giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình; giấy tờ của tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật; giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc thế chấp, cầm cố quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp… vẫn được đăng ký thường trú.

Đoàn Phú

 

Tin xem nhiều