Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng công tác giám định tư pháp để đảm bảo hoạt động điều tra

Trần Danh
09:00, 08/11/2024

Công tác giám định tư pháp (GĐTP) là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, góp phần vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật.

Để phục vụ công tác điều tra, cơ quan công an phải tiến hành giám định các mẫu vật thu giữ trong các vụ án ma túy. Trong ảnh: Tang vật ma túy do Công an thành phố Biên Hòa thu giữ trong một vụ án. Ảnh: CTV

Công tác giám định tư pháp được chú trọng

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác GĐTP ngày 29-10, Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Lê Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng ủy Công an tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc về công tác GĐTP.

Ngoài ra, công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện trưng cầu giám định cũng được Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Đảng ủy Công an tỉnh đã quán triệt các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giám định, không để ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ tháng 1-2023 đến 6-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ban hành 7.433 quyết định trưng cầu giám định (giám định lần đầu 7.283; giám định lại 3, giám định bổ sung 147).

Tại cuộc họp nêu trên, lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh cho biết, từ đầu năm 2023 đến tháng 6-2024, tòa án 2 cấp của tỉnh đã có 10 trường hợp trưng cầu GĐTP. Các trường hợp này đều trưng cầu giám định về tình trạng tâm thần của bị cáo trong các vụ án hình sự.

Thời gian qua, TAND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo TAND 2 cấp nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác GĐTP trong các hoạt động tố tụng. Theo đó, đã chỉ đạo thẩm phán của TAND 2 cấp thực hiện yêu cầu GĐTP đúng theo quy định; xác định đúng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiến hành giám định; nội dung yêu cầu trưng cầu giám định phải rõ ràng, cụ thể; không lạm dụng việc GĐTP để kéo dài việc giải quyết vụ án; chủ động phối hợp với cơ quan thực hiện trưng cầu giám định.

Tại buổi kiểm tra về việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác GĐTP tại Công an tỉnh mới đây, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Nhân nhận xét, việc trưng cầu giám định được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thực hiện theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật GĐTP năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Nhân cũng cho rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thực hiện trưng cầu giám định có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, đồng bộ. Một số kết luận giám định còn chung chung, chưa trả lời đầy đủ, rõ ràng nội dung được yêu cầu, có sự khác nhau giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề được trưng cầu, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, còn tình trạng chậm gửi kết luận giám định hoặc ban hành kết luận giám định chưa đúng thời hạn. Một số trường hợp cơ quan trưng cầu không cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin cần thiết cho việc thực hiện giám định nên mất nhiều thời gian cho việc bổ sung làm ảnh hưởng đến thời hạn làm giám định.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Nhân đề nghị các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác giám định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng, lợi dụng việc giám định nhằm kéo dài việc giải quyết các vụ án, vụ việc dẫn đến hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động giám định

Trước những vướng mắc, tồn tại nêu trên, đồng chí Trần Trung Nhân yêu cầu Đảng ủy Công an tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giám định: Luật GĐTP năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020; các nghị định, quy định về công tác GĐTP trên các lĩnh vực. Giữa các cơ quan, đơn vị trưng cầu giám định và các giám định viên cần tăng cường phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác GĐTP.

Để làm tốt các nội dung trên, các cơ quan chức năng phải thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra các cấp để cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong việc ban hành các quyết định trưng cầu công tác GĐTP, nhất là các lĩnh vực đặc thù như: thuế, tài nguyên... Hạn chế tình trạng trưng cầu giám định không đúng chức năng, thẩm quyền của cơ quan được trưng cầu.

Theo Công an tỉnh, thời gian tới sẽ tăng cường công tác phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giám định; nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu về vai trò, ý nghĩa của công tác giám định trong các hoạt động tố tụng. Đồng thời, sẽ quán triệt cấp ủy, tổ chức Đảng thuộc cơ quan điều tra 2 cấp khi ban hành quyết định trưng cầu giám định phải kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu để cơ quan, người có thẩm quyền giám định thực hiện giám định. Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với hoạt động GĐTP.

Tương tự, lãnh đạo TAND tỉnh cho biết, để thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác GĐTP, tòa án các cấp phải đề cao trách nhiệm của các thẩm phán trong việc ra các quyết định trưng cầu GĐTP. Đối với những trường hợp đã rõ thì không giám định, chỉ yêu cầu giám định đối với những trường hợp cần thiết theo đúng quy định pháp luật.

Trần Danh

Tin xem nhiều