Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ trong 2 tháng cuối năm

Đăng Tùng
08:31, 05/11/2024

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2024, thời điểm này, nguy cơ cháy, nổ có thể diễn biến phức tạp khi các cơ sở, hộ dân tập trung các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà lơ là phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây là thực trạng mà các ngành chức năng cần quan tâm, tập trung các giải pháp để phòng ngừa cháy, nổ.

Các lực lượng tham gia diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Nhà máy Nestlé Trị An, Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) ngày 4-10. Ảnh: Đ.Tùng

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, vào nửa cuối tháng 10-2024, mưa đã bắt đầu giảm dần cả về diện và lượng. Dự báo mùa mưa năm 2024 có khả năng kết thúc vào khoảng từ ngày 25-11 đến ngày 5-12.

Nguy cơ cháy cao

Không chỉ vậy, chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc năm 2024 nên Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh đánh giá đây là thời điểm nguy cơ cháy diễn biến phức tạp, cả ở các cơ sở trong và ngoài khu công nghiệp, lẫn ở khu dân cư.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, thông thường vào dịp cuối năm, các cơ sở sản xuất sẽ tập trung lượng lớn hàng hóa, vật tư, nguyên liệu về các kho để đảm bảo hoạt động, hoàn thành các đơn hàng. Việc này khiến người đứng đầu các cơ sở tập trung vào việc sản xuất, giải quyết hợp đồng, “công nợ” cuối năm nên có thể lơ là trong công tác PCCC.

Riêng những khu dân cư trong toàn tỉnh (đặc biệt là tại đô thị), người dân bắt đầu dọn dẹp, gom đồ cũ hoặc tiến hành đốt một số loại rác nên dễ phát sinh cháy lan. Ngoài ra, một trong những yếu tố nguy hiểm có thể gây cháy tại các khu dân cư chính là hệ thống điện xuống cấp, sạc các thiết bị điện qua đêm (xe điện, điện thoại, cục sạc dự phòng...) khiến nguy cơ cháy tại các hộ gia đình tăng cao.

Trên thực tế, mặc dù mùa khô chưa bắt đầu nhưng trong tháng 10-2024, trên toàn tỉnh đã xuất hiện một số vụ cháy khiến người dân lo lắng. Gần đây nhất, rạng sáng 30-10, trong hẻm 140 đường Trần Phú (phường Xuân An, thành phố Long Khánh) xảy ra vụ cháy nhà dân làm 1 người tử vong và 3 người khác (2 người lớn, 1 trẻ nhỏ) bị thương. Trước đó, vào tối 18-10, quán karaoke Diễm My trên đường Đồng Khởi (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, quán đã ngưng hoạt động) bốc cháy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã điều động 3 xe chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường chữa cháy.

Theo Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 64 vụ cháy (giảm 35 vụ so với cùng kỳ năm 2023), thiệt hại về tài sản khoảng 14 tỷ đồng. Trong đó xảy ra 17 vụ cháy tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (4 vụ cháy tại các khu công nghiệp).

Diễn tập rộng rãi, tạo tinh thần cảnh giác

Để đảm bảo kiềm chế, kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong những tháng cuối năm 2024, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh và 11 địa phương đang ráo riết triển khai công tác kiểm tra an toàn PCCC. Trong đó tập trung vào các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như: chung cư, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây cháy, lực lượng cảnh sát PCCC còn tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy quy mô lớn với nhiều lực lượng tham gia. Cụ thể, trong tháng 10-2024, UBND tỉnh đã tổ chức 2 buổi diễn tập cấp tỉnh (có tình huống cháy) với sự tham gia của nhiều lực lượng trong công tác chữa cháy, cứu người. Đó là diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Nhà máy Nestlé Trị An, Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) vào ngày 4-10 và diễn tập ứng phó sự cố hóa chất theo phương án cấp tỉnh phối hợp nhiều lực lượng tại Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành) vào ngày 25-10.

Lực lượng chữa cháy của Công an tỉnh và Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành) tham gia diễn tập ứng phó sự cố hóa chất theo phương án cấp tỉnh vào ngày 25-10. Ảnh: Đ.Tùng

Các cuộc diễn tập này góp phần lan tỏa phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đảm bảo khi xảy ra sự cố cháy, nổ, lực lượng tại chỗ sẽ báo cháy, thông tin kịp thời, chính xác cho lực lượng cảnh sát PCCC. Qua đó giúp lực lượng tại chỗ hình thành phản xạ thực hiện các hoạt động như: chữa cháy, phối hợp cứu người, hướng dẫn di chuyển nạn nhân ra vị trí an toàn, sử dụng họng nước chữa cháy vách tường hoặc bình chữa cháy dập tắt đám cháy khi vừa phát sinh.

Phó chủ tịch, Giám đốc Kỹ thuật nhà máy Công ty TNHH Bosch Việt Nam Brendan Gary Sunderland cho hay: “Với những rủi ro tiềm ẩn trong quy trình sản xuất tại nhà máy, an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu trong các nỗ lực của chúng tôi. Chúng tôi cung cấp cho Đội Phản ứng khẩn cấp của công ty các phương tiện và vật tư tốt nhất, đồng thời đào tạo, huấn luyện thường xuyên, đảm bảo để họ luôn sẵn sàng xử lý cho bất kỳ tình huống khẩn cấp nào”.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tích cực tổ chức tuyên truyền, đầu tư kinh phí, củng cố lực lượng, phương tiện tại chỗ, có kế hoạch, phương án cụ thể để chủ động phòng ngừa và ứng phó hiệu quả đối với các tình huống xảy ra. Đồng thời, tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các mục tiêu trọng điểm, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân dân, kiên quyết xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCCC.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều