Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm liên quan đến ma túy, một số đối tượng đã phải lãnh mức án tử hình nhưng vì “siêu lợi nhuận”, các đối tượng vẫn bất chấp để lao vào con đường phạm tội.
Bị cáo Vũ Minh Phúc lãnh án tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Ảnh: T.Tâm |
Lãnh án tử vì mua bán, vận chuyển trái phép ma túy
Những bản án tử hình dường như vẫn không khiến cho một số đối tượng khác lấy đó làm bài học, mà vẫn lao vào ma túy như “con thiêu thân”. Để rồi khi trở thành bị cáo và phải đối mặt với bản án tử hình thì mới xin giảm nhẹ hình phạt thì đã quá muộn.
Nghiện ma túy nên Ngô Mạnh Hoàng (30 tuổi, ngụ phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa); Trần Duy Thắng (28 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) và Trương Thị Yến Nhi (24 tuổi, ngụ xã An Phước) đã rủ nhau mua bán trái phép ma túy để kiếm tiền lời mua ma túy sử dụng và tiêu xài. Để rồi vào ngày 12-3, Hoàng bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên phạt mức án tử hình; Thắng lãnh án tù chung thân; Yến Nhi lãnh 16 năm tù, cùng về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, từ tháng 11-2022 đến 12-2022, Hoàng đã mua của một người đàn ông không rõ lai lịch 18 ngàn viên ma túy với giá gần 1,3 tỷ đồng. Ngày 24-12-2022, Hoàng mang 1 ngàn viên ma túy đến khu vực trước cổng Công ty Y. (thuộc phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) bán cho Thắng. Sau đó, Thắng mang số ma túy đã mua đến khu vực phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) để bán thì bị Công an tỉnh bắt giữ. Quá trình điều tra xác định, Hoàng đã nhiều lần mua bán trái phép tổng cộng gần 8kg ma túy; Thắng mua bán trái phép 551g ma túy; Yến Nhi có hành vi mua bán trái phép hơn 105g ma túy.
Bên cạnh đó, có những đối tượng tham gia vận chuyển thuê ma túy để lấy tiền công cũng phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Điển hình như ngày 29-10, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Vũ Minh Phúc (30 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) mức án tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Trần Văn Tuấn (29 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) 12 năm tù về các tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và che giấu tội phạm.
Theo cáo trạng, Phúc và Tuấn đều nghiện ma túy. Vào ngày 26-5-2023, Phúc đã vận chuyển thuê 6,8kg ma túy từ Thành phố Hà Nội đến tỉnh Bình Dương với giá 15 triệu đồng. Khi vận chuyển số ma túy trên đi qua địa bàn Đồng Nai thì Phúc bị công an bắt giữ. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện, trong khoảng thời gian từ tháng 6-2022 đến ngày 26-5-2023, Tuấn đã cùng Phúc tham gia mua bán và tổ chức sử dụng ma túy nhiều lần.
Tương tự, vào ngày 26-9, sau khi nghe TAND tỉnh tuyên phạt mức án tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, bị cáo Vòng Nhựt Phú (38 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) như đổ sụp xuống, tiếng khóc vang vọng cả phòng xử án. Bị cáo Phú không nghĩ đã phải “bán” mạng bằng cái giá 12 triệu đồng.
Nội dung vụ án xác định, vào ngày 19-12-2023, Thưởng (không rõ lai lịch) thuê Phú đến quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh để vận chuyển hơn 2kg ma túy mang về thành phố Biên Hòa với giá 12 triệu đồng. Đêm 19-12-2023, khi Phú mang số ma túy trên về khách sạn P.H. (ở phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) cất giấu thì bị công an phát hiện, bắt giữ.
Từ tháng 9-2023 đến 9-2024, TAND 2 cấp tại Đồng Nai đã xét xử 192 vụ, 1.604 bị cáo phạm tội liên quan đến ma túy. Trong đó, áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với 4 bị cáo, chung thân 12 bị cáo về tội vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.
Ưu tiên các giải pháp phòng hơn là chống
Trưởng phòng Thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh, ma túy, Viện KSND tỉnh Phạm Văn Chìu cho hay, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp; hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn có tính chất liên huyện, liên tỉnh và khối lượng ma túy thu giữ trong một số vụ án rất lớn. Quy mô hoạt động phạm tội của các đối tượng ma túy ngày càng rộng, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tính chất phạm tội ngày càng nguy hiểm, manh động, gây hậu quả nghiêm trọng. Tội phạm ma túy diễn biến rất phức tạp và thường chọn địa điểm hoạt động là các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, bar… để chứa chấp hoặc buôn bán ma túy. Điều này khiến cho công tác phát hiện và truy bắt tội phạm ma túy ngày càng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các đối tượng tội phạm ma túy thường rất ngoan cố nên trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều luôn chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội.
“Thông thường, tội phạm ma túy bị xử phạt nặng, thậm chí nhiều đối tượng bị tuyên mức án tử hình. Các đối tượng phạm tội về ma túy cũng biết rõ về sự nguy hiểm cũng như hành vi phạm tội phải chịu hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, tội phạm ma túy vì siêu lợi nhuận vẫn bất chấp quy định pháp luật mà thực hiện hành vi buôn bán ma túy từ nhỏ lẻ đến cả buôn sỉ” - ông Phạm Văn Chìu cho hay.
Chiều 8-11, trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp. Do đó, để phòng, chống ma túy hiệu quả, bên cạnh quyết tâm chính trị thì cần có sự kiên trì, kiên quyết, với các biện pháp mạnh mẽ hơn, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; đồng thời, đổi mới phương pháp, cách thức, phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng.
Để đạt được cao nhất mục tiêu đề ra trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, một số đại biểu Quốc hội đề nghị ưu tiên các giải pháp phòng hơn là chống. Cụ thể là phòng ngừa việc mua bán, vận chuyển, lưu thông, phân phối, trồng hái, phối trộn, sử dụng; thường xuyên cập nhật các loại ma túy mới để người dân, nhất là giới trẻ, biết phòng tránh… Từ đó, đưa ra giải pháp kịp thời nhằm phòng, chống ma túy hiệu quả.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin