Những ngày qua, nhiều “đoạn đường đau khổ” trên quốc lộ 51 đã được sửa chữa đồng loạt. Các chuyến xe đi qua đây cũng bớt “nhọc nhằn” hơn, đỡ lo sập bẫy “ổ voi”, “ổ gà” ở trên đường. Đây là kết quả tích cực sau nhiều kiến nghị mạnh mẽ từ chính quyền 2 địa phương có quốc lộ 51 đi qua là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Gần nhất là cuối tháng 9-2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nâng cấp, sửa chữa toàn diện hạ tầng giao thông tuyến quốc lộ 51. Trong đó nhấn mạnh, việc khắc phục, sửa chữa tuyến đường là hết sức cấp thiết. Nếu chậm thực hiện sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) và tai nạn giao thông. Đó là chưa kể, việc chậm trễ sửa chữa quốc lộ 51 còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp do tắc nghẽn giao thông.
Tuy nhiên, để đảm bảo ATGT trên tuyến đường này trong thời gian tới, vẫn còn cần nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, nhất là tại các nút giao, “điểm đen” mất ATGT trên quốc lộ 51. Về lâu dài, để “chia lửa”, giảm tải cho tuyến quốc lộ 51, còn cần đẩy mạnh các giải pháp để sớm đưa tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động.
Câu chuyện về quốc lộ 51 hậu BOT cũng đặt ra cho cơ quan chức năng một số vấn đề về quản lý các tuyến đường, quốc lộ sau khi tạm dừng thu phí dự án BOT, bàn giao về sở hữu toàn dân sao cho hiệu quả. Đồng thời, cần nghiên cứu cách áp dụng quy định mới của Luật Đường bộ năm 2024 cho phép UBND tỉnh quản lý, sửa chữa một số tuyến quốc lộ.
Cụ thể, theo khoản 4, Điều 8 Luật Đường bộ năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt; quốc lộ khi được phân cấp; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến tránh thay thế phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ không còn trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, trừ trường hợp quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, khả năng bố trí nguồn lực của địa phương…
Luật Đường bộ năm 2024 quy định UBND cấp tỉnh được quản lý một số tuyến quốc lộ trên địa bàn là phù hợp với thực tế. Qua đó sẽ giúp cho các địa phương được chủ động trong quản lý, sửa chữa, bảo trì kịp thời các tuyến quốc lộ qua địa bàn…, giúp khai thác tối đa tiềm năng của các tuyến đường và đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ, nhất là các tuyến quốc lộ quá tải như quốc lộ 51.
Thư Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin