Từ lâu, lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chỗ của doanh nghiệp (DN), khu dân cư luôn là “cánh tay nối dài” của lực lượng PCCC chuyên nghiệp trong chữa cháy, cứu người.
Đội phòng cháy cơ sở Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) diễn tập chữa cháy tại doanh nghiệp. Ảnh: ĐĂNG TÙNG |
Riêng năm 2024, lực lượng PCCC tại chỗ trên toàn tỉnh đã được củng cố, đầu tư cả về con người, trang bị, huấn luyện… Từ đó, dần đóng vai trò quan trọng và phát huy được phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
“Cánh tay nối dài” tại cơ sở
Toàn tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động với hàng ngàn DN sản xuất, kinh doanh; trong đó có nhiều DN thuộc ngành nghề sản xuất có nguy cơ cháy, nổ cao như: dệt may, cơ khí, hóa chất, gỗ… Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn PCCC cho các khu công nghiệp luôn được lực lượng chức năng, DN quan tâm hàng đầu.
Bên cạnh lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thì ngay tại các khu công nghiệp cũng có đội PCCC chuyên ngành, tại các DN cũng xây dựng đội PCCC cơ sở. Đây là lực lượng tại chỗ luôn có mặt đầu tiên để khống chế đám cháy ban đầu và tham gia hỗ trợ khi lực lượng cảnh sát PCCC yêu cầu chi viện chữa cháy các vụ cháy lớn gần đó. Đặc biệt, nhiều DN tự trang bị xe bồn chứa nước, xe chữa cháy chuyên dụng vừa đảm bảo an toàn cho khu công nghiệp, DN mình, vừa hỗ trợ đơn vị chức năng khi cần thiết.
Qua ghi nhận của Công an tỉnh, tại vụ cháy Công ty TNHH ShingMark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) vào tối 7-8, ngoài lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp còn có sự hỗ trợ của đội PCCC chuyên ngành của các Khu công nghiệp: Giang Điền, Bàu Xéo và của Công ty TNHH Pousung Việt Nam. Hay trước đó, vào sáng 1-4, tại vụ cháy nhà kho cho thuê của Công ty CP Cảng Container Đồng Nai (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa), bên cạnh lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thì Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa đã huy động xe chữa cháy đến hỗ trợ dập lửa.
Nếu như trong các khu công nghiệp có những đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành thì tại những khu dân cư, từ cuối năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập hơn 1 ngàn mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC (gọi tắt là Tổ liên gia). Đến giữa năm 2024, UBND tỉnh đã thành lập 928 tổ bảo vệ an ninh trật tự tại 928 ấp, khu phố trên toàn tỉnh với gần 4,3 ngàn thành viên. Đây là những người sẽ trực tiếp có mặt để báo động, dùng phương tiện tại chỗ khống chế đám cháy khi vừa phát sinh trong khu dân cư.
Ông Huỳnh Phương Toàn, thành viên Tổ Liên gia 29 xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), cho hay: “Mô hình Tổ liên gia giúp cho mỗi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về PCCC trong gia đình, khu dân cư. Khi không may có sự cố cháy xảy ra, chúng tôi có thể báo động cho nhau rồi sử dụng các trang thiết bị PCCC có sẵn để hỗ trợ chữa cháy trước khi lực lượng chức năng có mặt”.
Phát huy “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy
Với tầm quan trọng của các lực lượng PCCC tại cơ sở, trong DN, thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động để củng cố khả năng, nâng cao nghiệp vụ cho những “cánh tay nối dài”. Cụ thể là việc tập huấn, huấn luyện thường niên, hướng dẫn tự tổ chức phương án chữa cháy tại DN, khu dân cư.
Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh cho biết, trong thời gian tới, các đội PCCC cơ sở, tổ liên gia và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở sẽ tiếp tục được tập huấn với các nội dung sát thực tế chữa cháy để chủ động PCCC trong mọi tình huống. Qua đó, tăng cường khả năng phối hợp cùng lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp kịp thời dập tắt các vụ cháy, nổ nếu xảy ra, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và DN.
Công an thành phố Biên Hòa hướng dẫn giáo viên và học sinh Trường trung học cơ sở Bình Đa (thành phố Biên Hòa) sử dụng bình chữa cháy xách tay. Ảnh: Đ.Tùng |
Đội trưởng Đội PCCC cơ sở phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) Hoàng Tiến Việt cho biết, để củng cố khả năng ứng phó sự cố cháy tại địa phương, đội thường xuyên phối hợp với lực lượng công an trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC cho người dân. Đồng thời, tự kiểm tra, đánh giá quá trình hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, từ đó đề xuất biện pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của lực lượng trong công tác PCCC nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ PCCC tại địa phương.
Riêng trong năm 2024, công tác này được Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh thực hiện thông qua việc đổi mới các nội dung kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy, tổ chức hội thi nghiệp vụ dành riêng cho các tổ liên gia. Cụ thể, đợt kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy dành cho các DN, cơ quan nhà nước, UBND cấp xã, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh đã đưa ra các bài thi mới như: phun tiêu điểm, đeo mặt nạ phòng độc, phá khóa cửa… để phù hợp với các tình huống cháy, thoát hiểm có thể xảy ra.
Còn với tổ liên gia, năm 2024, Hội thi Kiểm tra nghiệp vụ được diễn ra lần đầu tiên trên cả nước với phần thực hành phá khóa, tiến vào ngôi nhà mô hình đang cháy để dập lửa và cứu người. Đáng chú ý, qua 3 vòng thi (cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực), Tổ Liên gia 29 (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) là một trong 19 đội trên cả nước tham dự vòng thi chung kết tại thành phố Hải Phòng vào tháng 7-2024.
Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn nhận định, quá trình tổ chức kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở trên toàn tỉnh. Qua đó, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phương tiện, thiết bị PCCC, các biện pháp xử lý tình huống cháy, nổ, nhất là việc phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC, kịp thời dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.
Trong thời gian tới, để tiếp tục củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chỉ đạo tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót, vi phạm về PCCC. Thường xuyên bố trí lực lượng PCCC trực, nhất là vào các ngày nghỉ, ban đêm để sẵn sàng chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra. Khi tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cần có giả định tình huống cháy vào thời gian ngoài giờ làm việc và ban đêm, qua đó có kế hoạch bố trí tăng cường lực lượng thường trực hoặc tăng cường các hệ thống báo cháy tự động và chữa cháy phù hợp.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia các hoạt động phòng cháy, chữa cháy
Công tác PCCC giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Trong đó, đòi hỏi các cấp, các ngành và các cơ sở cần thường xuyên làm tốt hơn nữa công tác PCCC. Muốn vậy thì mỗi người dân cần hiểu biết và nắm vững các quy định của pháp luật về PCCC và phải được trang bị các phương tiện cần thiết.
Để làm được việc này, các cơ quan chức năng cần tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia các hoạt động PCCC. Đặc biệt là không ngừng nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC, chủ động làm tốt, có hiệu quả công tác phòng ngừa cháy, nổ ngay từ cơ sở.
Đội trưởng Đội Phòng cháy cơ sở Công ty TNHH Việt Nam NOK (Khu công nghiệp Amata) Trần Dũng Tiến: Thường xuyên tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho nhân viên
Hàng tháng, công ty thường tổ chức các buổi tuyên truyền và tập huấn về công tác PCCC cho nhân viên. Riêng đội PCCC cơ sở, ngoài việc huấn luyện còn được phân công trực theo ca, đảm bảo khép kín suốt 24 giờ mỗi ngày. Từ đó, mỗi cán bộ, công nhân trong công ty sẽ tiếp tục lan tỏa ý thức, kỹ năng PCCC cho người thân trong gia đình, góp phần đảm bảo an toàn PCCC trong môi trường lao động và sinh hoạt hàng ngày.
Minh Thành (ghi)
Đăng Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin