Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật Dữ liệu góp phần xây dựng xã hội số

Trần Danh
08:20, 24/10/2024

Công an tỉnh vừa phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị Cung cấp thông tin, lấy ý kiến đóng góp đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trong đó có Dự thảo Luật Dữ liệu.

Cán bộ Công an phường Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa) thu nhận dữ liệu cấp thẻ căn cước cho trẻ em. Ảnh: T.Danh
Cán bộ Công an phường Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa) thu nhận dữ liệu cấp thẻ căn cước cho trẻ em. Ảnh: T.Danh

Tại hội nghị, phần lớn ý kiến cho rằng, việc ban hành Luật Dữ liệu là yêu cầu cấp thiết để xây dựng, hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong thời đại hiện nay.

Sự cần thiết phải ban hành Luật Dữ liệu

Giám đốc Công an tỉnh, đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết, xuất phát từ thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) của lực lượng công an nhân dân trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó có nguyên nhân do các quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc chưa phù hợp với một số luật chuyên ngành. Do đó, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Theo Công an tỉnh, việc ban hành Luật Dữ liệu là cần thiết. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định có tính định hướng quan trọng về phát triển dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin trong chuyển đổi số ở nước ta như: Chiến lược dữ liệu quốc gia; Đề án Xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia; Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Tại Việt Nam, việc triển khai xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như: một số bộ, ngành chưa có hoặc có chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai hệ thống công nghệ; nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo; nhân lực vận hành còn thiếu; việc khai thác, liên thông còn gặp khó khăn...

Việc xây dựng dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Do đó, việc định hướng, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở Việt Nam là rất cần thiết.

Liên quan đến việc ban hành Luật Dữ liệu, chiều 22-10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, cơ bản nhất trí với chủ trương thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia theo đề xuất của Bộ Công an. Việc này sẽ giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực hạ tầng, công nghệ; giải quyết vấn đề hạn chế của các hệ thống thông tin, của việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan...

Hoàn thiện khung pháp lý trong xây dựng, quản lý dữ liệu

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu đã thống nhất với việc cần thiết ban hành Luật Dữ liệu để đảm bảo yêu cầu thực tế. Trong đó, một số ý kiến đi sâu phân tích, đánh giá và góp ý để điều chỉnh đối với một số nội dung của các dự thảo luật nói trên.

Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thượng tá Nguyễn Xuân Thanh cho biết, qua nghiên cứu dự thảo luật nhận thấy, việc ban hành Luật Dữ liệu góp phần luật hóa việc thu thập dữ liệu, số hóa dữ liệu, chuyển giao dữ liệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trung gian dữ liệu; đồng thời, khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng, quản lý dữ liệu.

Thời gian qua, các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống... Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu của nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp. Trong khi đó, nhân lực vận hành, quản trị các hệ thống thông tin còn thiếu và yếu; các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử chưa được xây dựng đầy đủ; nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhằm hoàn chỉnh các quy định của Dự án Luật Dữ liệu, Trưởng phòng Xây dựng và phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Lê Xuân Quý cho biết, việc xây dựng luật cần phân định rõ các loại dữ liệu của cơ quan nhà nước với các loại dữ liệu của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cần phải xây dựng thêm một chương để quy định riêng về xây dựng, phát triển và quản lý đối với các vấn đề về dữ liệu của tổ chức, cá nhân.

Ông Lê Xuân Quý cũng cho rằng, luật cần bổ sung việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm phục vụ cho các hoạt động quản lý, công việc khẩn cấp, điều tra, an ninh quốc phòng, phòng thủ dân sự.

Bên cạnh đó, luật cũng phải quy định rõ việc công khai dữ liệu phải xác định trách nhiệm thực hiện ở các tổ chức, cá nhân khác (không chỉ của Nhà nước). Việc công khai phải thực hiện ở các đầu mối xác định, đảm bảo được việc công khai dữ liệu một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời và toàn vẹn của dữ liệu.

Trần Danh

Tin xem nhiều