Báo Đồng Nai điện tử
En

Lừa đảo trên không gian mạng vẫn hoành hành

Trần Danh
08:34, 10/10/2024

Các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đã và đang tìm mọi cách, với các thủ đoạn biến đổi liên tục để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Báo cáo viên Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, công nhân Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam (huyện Long Thành). Ảnh: T.DANH
Báo cáo viên Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, công nhân Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam (huyện Long Thành). Ảnh: T.DANH

Theo cơ quan công an, sự cảnh giác của người dân vẫn là “liều vaccine” hữu hiệu nhất để đối phó với loại tội phạm này.

Thủ đoạn biến đổi liên tục

Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh liên tiếp nhận tin báo về các trường hợp bị lừa đảo với thủ đoạn hướng dẫn cài đặt phần mềm hỗ trợ đăng ký cấp căn cước cho trẻ em để chiếm đoạt tài sản.

Theo một số nạn nhân, các đối tượng lừa đảo gọi điện tự xưng là cán bộ công an, cảnh sát khu vực yêu cầu người dân tải ứng dụng dịch vụ công giả mạo trên điện thoại để làm thủ tục trực tuyến do lỗi vân tay bị mờ hoặc chưa đồng bộ dữ liệu dân cư. Mục đích của các đối tượng là tìm cách chiếm quyền điều khiển điện thoại của nạn nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn nhắm vào những người dân có nhu cầu đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gần nhất, vào cuối tháng 9-2024, anh N.V.A. (ngụ thành phố Biên Hòa) nhận được cuộc gọi của một người tự xưng cảnh sát khu vực yêu cầu anh đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID. Qua trao đổi, người này thông báo cho anh A. có thể thực hiện việc này qua online. Đồng thời, yêu cầu anh A. kết bạn Zalo, tải đường link về máy điện thoại và làm theo hướng dẫn.

Bộ Công an đang tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài để triển khai các biện pháp sàng lọc, xác thực thông tin, xóa bỏ các trang web, các ứng dụng giả mạo.

Sau khi cài đặt đường link và làm theo các bước mà đối tượng hướng dẫn, anh A. cất điện thoại, tiếp tục làm công việc của mình. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại điện thoại, anh A. phát hiện tài khoản ngân hàng của mình đã bị mất 100 triệu đồng (với 5 lần chuyển tiền).

Theo cơ quan công an, trường hợp này, đối tượng đã gửi mã độc qua đường link cho anh A., sau đó chiếm quyền kiểm soát điện thoại và đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền.

Khuyến cáo từ cơ quan công an, chiêu thức gọi điện giả mạo các cơ quan tư pháp (công an, tòa án, viện kiểm sát...) thời gian gần đây tiếp tục tái diễn. Các đối tượng thông báo với nạn nhân rằng đang dính líu đến một vụ án nghiêm trọng (có thể là vô tình nạn nhân liên quan, hoặc bị đối tượng tội phạm cài bẫy...). Khi nạn nhân phủ nhận những thông tin này thì đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân phải chứng minh sự trong sạch của mình bằng việc khai báo thông tin, tài sản... Có được những dữ liệu này, đối tượng lừa đảo tiếp tục tấn công nạn nhân bằng những chiêu thức như: công bố lệnh bắt, quyết định khởi tố... với các thông tin chính xác về nạn nhân khiến cho nạn nhân nhẹ dạ rơi vào hoảng loạn và chấp nhận làm theo yêu cầu của các đối tượng.

Phải thường xuyên cảnh báo đến người dân

Để tránh “sập bẫy” chiêu lừa đảo của tội phạm mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo người dân phải nâng cao cảnh giác trước cuộc gọi từ các số điện thoại lạ, các tin nhắn lạ. Người dân không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho người lạ, không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại.

Để tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, người dân tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn SMS, Zalo, Messenger... do người lạ gửi đến. Quá trình sử dụng điện thoại, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua đường link; không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.

Công an tỉnh cũng khuyến cáo, khi nhận được những cuộc gọi, tin nhắn thông báo có tính chất bất ngờ hoặc có liên quan đến việc chuyển tiền thì người dân phải chậm lại, tự đặt câu hỏi và phát hiện điều bất thường. Bên cạnh đó, người dân phải hỏi ý kiến người thân, kiểm tra tại chỗ thông tin người cung cấp và không chuyển tiền nếu thấy không an toàn...

Tại buổi họp báo về tình hình, kết quả công tác công an quý III-2024 do Bộ Công an tổ chức vào ngày 4-10, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết, việc mạo danh các cơ quan chức năng như: công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân đã được các đối tượng xấu sử dụng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Loại hình hoạt động của tội phạm này có sự chuyển biến, cập nhật phương thức rất nhanh.

Thời gian gần đây, lợi dụng chủ trương của Chính phủ thúc đẩy phổ biến ứng dụng VNeID phục vụ các tiện ích cho người dân, các đối tượng lừa đảo thường mạo danh cán bộ công an cấp phường, xã yêu cầu người dân cập nhật định danh mức 2, qua đó lừa các nạn nhân cài đặt các ứng dụng giả mạo, có chứa mã độc lên thiết bị, sau đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, các đối tượng cũng lợi dụng việc yêu cầu xác nhận sinh trắc học (khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên) giả danh cán bộ ngân hàng để yêu cầu người dân tải các ứng dụng giả mạo về cập nhật dữ liệu sinh trắc học để lừa đảo.

Theo trung tá Triệu Mạnh Tùng, để phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi trên, Bộ Công an đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các cơ sở pháp lý, không để tồn tại các sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý dòng tiền của các đối tượng lừa đảo; phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông triển khai việc xác thực, định danh đối với các tài khoản, thuê bao trên các lĩnh vực thông tin, viễn thông… tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập internet, góp phần xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm.

Trần Danh

Tin xem nhiều