Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó trong giải quyết án tham nhũng, tiêu cực

Tố Tâm
08:18, 21/10/2024

Theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) trên cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, TNTC đang từng bước được đẩy lùi.

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án liên quan đến sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa). Ảnh: T.Tâm
Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án liên quan đến sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa). Ảnh: T.Tâm

Tuy nhiên, trong công tác truy tố, xét xử về án TNTC vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, một số vụ án giải quyết bị kéo dài nên cần giải pháp khắc phục, tháo gỡ.

Đưa ra xét xử nhiều vụ án phức tạp

Theo Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, hiện nay, công tác xét xử án TNTC đã được thực hiện kịp thời, nghiêm minh, đảm bảo chất lượng xét xử được nâng lên, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, có một số vụ án về TNTC đã được đưa ra xét xử kịp thời, nhận được sự đồng tình của dư luận. Điển hình, từ đầu năm 2024 đến nay, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử 2 vụ án về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ tại một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh.

Gần nhất sáng 7-10, TAND tỉnh tuyên phạt Lương Minh Tú (43 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D, chi nhánh Công ty TNHH Quốc Tuấn Trung (gọi tắt Trung tâm Đăng kiểm 60-04D, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) 7 năm tù về tội nhận hối lộ. Liên quan trong vụ án, 14 bị cáo khác cũng bị tuyên án với mức từ 4 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ.

Trong buổi giám sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC tỉnh về công tác giải quyết các vụ án TNTC tại TAND tỉnh ngày 18-10, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đề nghị TAND tỉnh nghiên cứu giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết vụ án, đáp ứng các quy định về tố tụng. Trong quá trình xét xử các vụ án tiêu cực, tham nhũng, chức vụ, TAND các cấp cần phát hiện những sơ hở trong quản lý nhà nước, để kiến nghị khắc phục, nhất là những quy định liên quan đến quản lý đất đai, tài sản công…

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, vào năm 2018, Trung tâm Đăng kiểm 60-04D có giấy phép hoạt động do Tú làm giám đốc. Vào năm 2022, Tú đã bàn bạc, chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên tại Trung tâm Đăng kiểm 60-04D nhận tiền của các chủ phương tiện xe ô tô để bỏ qua các lỗi không đạt. Với thủ đoạn như trên, trong năm 2022, các bị cáo đã nhận tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng của các chủ phương tiện xe ô tô.

Bên cạnh đó, TAND 2 cấp cũng đưa ra xét xử một số vụ án TNTC xảy ra từ lâu. Đơn cử như vào tháng 7-2024, TAND huyện Xuân Lộc đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Lỏn (64 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) 2 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo nội dung bản án, vào năm 1983, UBND huyện Xuân Lộc ra Quyết định số 124 công nhận Ban Quản lý Tập đoàn 8 sản xuất nông nghiệp (gọi tắt Tập đoàn 8, thuộc xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc). Đến năm 1994, UBND huyện Xuân Lộc xóa bỏ các tập đoàn sản xuất cũ để thành lập các ấp mới. Bị cáo Lỏn làm Chủ tịch UBND xã Lang Minh từ năm 1994-1997. Lợi dụng chức vụ được giao, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội.

 Cụ thể, bị cáo Lỏn biết các tập đoàn do các hộ dân tự góp tiền với nhau làm kinh tế và sau khi chia lợi tức sẽ giữ lại một phần làm quỹ hoạt động. Bị cáo đã yêu cầu tập đoàn trưởng phải nộp số tiền quỹ của Tập đoàn 8 về UBND xã Lang Minh và bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng 16 chỉ vàng 24K và một số tiền, vàng khác của nhiều người dân. Sau khi gây án, bị cáo đã trốn khỏi địa phương đến tháng 2-2023 thì bị bắt giữ theo quyết định truy nã.

Gỡ khó trong giải quyết án tham nhũng, tiêu cực

Chánh án TAND tỉnh Võ Văn Phước cho biết, các vụ án TNTC đều được đưa ra xét xử kịp thời, các phiên tòa này được tổ chức chu đáo, an ninh trật tự được đảm bảo, thông tin tuyên truyền được chú trọng.

Các phiên tòa đều được tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp, việc tranh tụng được đảm bảo, tạo sự dân chủ, công khai, khách quan, bảo đảm quyền con người; phán quyết của Hội đồng xét xử dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Vì vậy, các vụ án TNTC do TAND hai cấp xét xử không để xảy ra việc kết án oan người không phạm tội, không bỏ lọt tội phạm. 

Tính từ ngày 1-10-2022 đến 31-3-2024, số vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ TAND hai cấp đã giải quyết là 41 vụ án/76 bị cáo (trong tổng số 53 vụ án/114 bị cáo về tội phạm tham nhũng, chức vụ TAND hai cấp đã thụ lý).

Tuy nhiên, theo TAND tỉnh, công tác xét xử án TNTC của TAND hai cấp còn gặp một số khó khăn như thời gian nghiên cứu hồ sơ ngắn. Một số vụ án xảy ra đã lâu nên việc thu thập, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh khó khăn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó cán bộ có chức quyền như cấp trưởng, cấp phó, hay những vị trí làm việc có liên quan đến tài chính (kế toán, thủ quỹ) đã sa ngã, thoái hóa, cấu kết với nhau, dùng nhiều thủ đoạn để tham ô, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của công dân.

Theo đại diện VKSND tỉnh, công tác tuyên truyền pháp luật về TNTC còn hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Mặc khác, việc thu hồi tài sản cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều đối tượng tẩu tán, chuyển dịch tài sản trước khi bị xử lý…

Do đó, theo các cơ quan chức năng, phải tăng cường siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; cần nâng cao hiệu quả hoạt động kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý TNTC ở các cơ quan, đơn vị.

Tố Tâm

Tin xem nhiều