Sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay đang tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giao thông. Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, giám sát và điều hành giao thông qua các tuyến đường trọng điểm, nút giao có tình hình giao thông phức tạp, các trạm soát vé không dừng.
Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, địa bàn rộng, lưu lượng xe đông, có nhiều vị trí giao thông cửa ngõ nên tình hình giao thông rất phức tạp. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc góp phần giải quyết vấn đề giao thông, nhất là giao thông đô thị, khu công nghiệp, từ việc ngăn ngừa, cảnh báo đến nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực giao thông tại Đồng Nai cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Trong đó, hệ thống camera giám sát giao thông còn chưa đồng bộ; còn nhiều tuyến đường chưa lắp camera giám sát; chưa có nhiều ứng dụng cập nhật tình hình giao thông vào giờ cao điểm, thông tin các sự cố xảy ra trên đường, hướng dẫn người dân chuyển hướng ở các lộ trình phù hợp…
Vì vậy, trong thời gian tới, việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh cần được thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh, không chỉ dừng lại ở việc đầu tư hệ thống camera kết nối dữ liệu đến cơ quan chức năng, mà còn phải tăng cường lắp đặt camera ở những đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tiếp tục vận động xã hội hóa hệ thống camera từ các hộ dân, doanh nghiệp trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu triển khai các bảng điện tử để kịp thời cảnh báo các vấn đề về giao thông ở những tuyến đường trọng điểm như: ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, phía trước có chướng ngại vật…, để người điều khiển phương tiện chủ động tìm lộ trình phù hợp, an toàn hơn.
Song song đó, công tác xử lý các hành vi vi phạm giao thông cũng cần được chú trọng, nhất là các hành vi vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát giao thông hoặc từ hình ảnh trích xuất từ camera do người dân cung cấp. Có như vậy mới góp phần giúp người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông, xây dựng thói quen lái xe an toàn ngay cả khi không có lực lượng công an tuần tra kiểm soát. Từ đó từng bước kéo giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, hiện đại và phát triển.
Thư Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin